Theo dõi trên

Nhạc sĩ Huy Sô và những đóng góp quý giá trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật

18/10/2024, 06:16

Nhạc sĩ Huy Sô là người con của quê hương Bình Thuận, được đào tạo âm nhạc chính quy trên đất Bắc rồi được gửi đi học tập ở Nhạc viện Trai-cốp-xky (Liên Xô cũ) ngành chỉ huy giao hưởng. Gắn bó với âm nhạc từ năm 1956, đến nay khi đã bước vào tuổi 96, dường như niềm đam mê sáng tạo trong ông vẫn không ngừng thôi thúc.

Cuộc đời ông là tấm gương lao động nghệ thuật trong sáng, bền bỉ, đầy nhiệt huyết với những đóng góp quý giá, rất đáng trân trọng. Ông sinh năm 1928, tại Phú Trinh, Phan Thiết, Bình Thuận, tham gia cách mạng từ năm 1945, tập kết ra Bắc tháng 10/1954. Quá trình công tác, ông đã kinh qua nhiều chức vụ khác nhau: Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4 (1965-1970); Biên tập viên Văn nghệ Đài B - Đài Tiếng nói Việt Nam (1971-1975); Trưởng Đoàn CMN Thuận Hải (1976-1980); Phó Giám đốc Sở VHTT (1981-1985); Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh (1986-1990). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông được phân công phục vụ chiến trường với vai trò vừa làm quản lý vừa chỉ đạo nghệ thuật trên vùng tuyến lửa Quảng Bình ác liệt. Vinh dự được cùng tập thể Đoàn Văn công bộ đội Liên khu 5 nhiều lần về thủ đô Hà Nội biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Khi làm biên tập viên Chương trình phát thanh Binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã trực tiếp sáng tác, biên tập, dàn dựng nhiều tiết mục ca nhạc có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ, kịp thời, góp phần thiết thực vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu ở giai đoạn này như: “Tiến vào Khe Sanh”; “Cồn Cỏ anh hùng”; “Qua những nhịp cầu”; “Những tên làng gọi chúng ta đi”; “Bài ca lao động”; “Tiếng hát của những người đi xa”…



Hòa bình, ông trở về quê hương năm 1976, bắt tay xây dựng Đoàn CMN của tỉnh từ những ngày đầu còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Dưới sự dìu dắt tận tụy của ông cùng các đồng nghiệp, theo thời gian nhiều lớp diễn viên ca, múa, nhạc đã trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, trở thành các NSND, NSƯT được cả nước biết đến. Có thể kể một số tên tuổi tiêu biểu như: NSND Đặng Hùng (1936-2022), NSND Minh Mẫn, NSND Thu Vân. Cùng với sự phát triển về đội ngũ, sự lớn mạnh về chất lượng nghệ thuật, Đoàn CMN Bình Thuận đã được nâng cấp thành Nhà hát CMN Biển Xanh vào năm 2009. Khi làm Phó Giám đốc Sở, phụ trách nghệ thuật, ông đã định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ kế cận kiên trì phương châm: giữ gìn, phát huy vốn quý nghệ thuật truyền thống các dân tộc tiêu biểu của địa phương, góp phần tạo nên “thương hiệu” nghệ thuật dân tộc đặc sắc của tỉnh. Một trong những hoạt động nổi bật trong thời gian này, là Đoàn CMN của tỉnh đã được Bộ VHTT cử đi biểu diễn, phục vụ “Ngày văn hóa Việt Nam” tại các nước Đông Âu (Bulgaria, Hungaria, Tiệp Khắc), gây được tiếng vang lớn, để lại ấn tượng tốt đẹp trên đất nước bạn.

Là nhạc sĩ sáng tác, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1967, ông đã có gần hai trăm tác phẩm ca ngợi quê hương, đất nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, ca ngợi Đảng quang vinh, nổi bật là: Hợp xướng “Quê tôi miền gió cát”, “Tiếng gọi từ biển đảo”; Tổ khúc phổ thơ Hồ Chủ tịch “Cả cuộc đời thao thức”; các ca khúc tiêu biểu: Hát về mùa xuân tương lai, Tên Người sống mãi, Tôi yêu đảo nhỏ quê hương, Nhớ ơn Đảng quang vinh, Em đi trồng cây, Bóng Bác trên quê hương tôi…

Ngoài âm nhạc, ông còn sáng tác văn - thơ, khảo cứu văn hóa địa phương, tham gia biên soạn công trình Địa chí Bình Thuận. Một số tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm: Tập ca khúc “Mãi như mùa thu” (in chung - 1985); Tập ca khúc (kèm băng nhạc cassette) “Hát về mùa xuân tương lai” (1997); các tập truyện ngắn “Mặt trời tháng Ba” (1987), “Huyền thoại về Láng nước nổi”(1997), tập thơ “Những vần thơ đi cùng năm tháng”(2009). Trên lĩnh vực khảo cứu, ông đã có những bài nghiên cứu khá sâu về Âm nhạc Chăm, trong đó có nhạc múa Ri Chàprông, những bài trống phục vụ nghi lễ cổ truyền của dân tộc Chăm Ninh - Bình Thuận. Đây là kết quả của những đợt thâm nhập thực tế vùng đồng bào Chăm và tiếp xúc trực tiếp với các trí thức, nghệ nhân tiêu biểu lúc bây giờ như: Thiên Sanh Cảnh, Trượng Tốn, Tài Mụ, Đào Được, Đào Bổ, Thạch Tiềm. Bên cạnh đó, các bài viết về nghệ thuật Bài chòi, hò Bả trạo, múa Náp của ông đã góp phần cung cấp nhiều thông tin phong phú và hữu ích, đặc biệt có giá trị đối với giới nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân gian ở địa phương.

Là nhà báo, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1975, ông đã viết hàng trăm bài báo dài, ngắn khác nhau, phản ánh sự chuyển mình đi lên của quê hương, đất nước; biểu dương những tấm gương “người tốt - việc tốt” tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường. Ông được UBND tỉnh trao tặng Giải thưởng VHNT Dục Thanh lần thứ I (giai đoạn 1992-1995), lần thứ V (giai đoạn 2012-2017); được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2002) và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của ông trên lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật hơn 60 năm qua, ngày 28/11/2023, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu NSƯT cho nhạc sĩ lão thành Huy Sô.

ĐỖ QUANG VINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thị xã La Gi: Tổ chức Giải việt dã, cờ tướng chào mừng Lễ hội Dinh Thầy Thím
Thị xã La Gi vừa tổ chức Giải việt dã chào mừng Lễ hội Dinh Thầy Thím năm 2024 . Giải lần này thi đấu 2 nội dung: nam chạy cự ly 3 km và nữ chạy cự ly 1,5 km gồm 11 đoàn đến từ các phường, xã, các trường THPT trên địa bàn với 39 vận động viên nữ/90 vận động viên tham gia.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Huy Sô và những đóng góp quý giá trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật