Theo dõi trên

Nhạc sĩ Huy Sô và tác phẩm để đời: Tổ khúc hợp xướng “Cả cuộc đời thao thức”

07/02/2018, 09:18

BT- “Thai nghén” từ năm 1973, sau 5 năm kể từ chuyến đi biểu diễn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 8/1968, nhưng phần vì chiến tranh, phần vì băn khoăn không biết viết như thế nào để lột tả được thần thái Bác nằm yên nghỉ trong lăng nhưng vẫn như đang nhắm mắt suy nghĩ chuyện nước non, làm sao chọn được những bài “đắt” nhất trong số hàng trăm bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” cũng như những bài thơ khác của Bác...nên một vài tác phẩm viết về Bác Hồ của nhạc sĩ Huy Sô vẫn là bản thảo, sửa đi rồi viết lại rất nhiều lần nhưng chưa lần nào ưng ý và cứ là “hoài thai”. Mãi đến gần đây, nhạc sĩ mới chọn được 3 bài. Đó là 2 bài trong “Nhật ký trong tù” gồm “Không ngủ được” (Thụy bất trước) và “Đêm không ngủ” (Bất miên dạ), được Bác viết bằng chữ Nho dịch ra chữ Nôm lúc ở nhà tù Tưởng Giới Thạch. Bài thứ ba là “Cảnh khuya” Bác viết ở Pác Bó. Tuy ra đời ở những thời điểm khác nhau nhưng cả 3 bài thơ đều có điểm chung là những trăn trở, đau đáu của Bác về vận nước hưng, suy, năm...

Ngoài những tác phẩm đã ra đời tạo được sự chú ý của giới chuyên môn cũng như được đánh giá một cách trân trọng bằng các giải thưởng như “Ngôi sao dẫn đường” viết năm 1980, giải ba do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao, bài hát thiếu nhi “Nghe lời Bác em trồng cây” giải nhì năm 2014, hợp xướng “Tiếng gọi từ biển đảo” giải khuyến khích năm 2015 đều có hình ảnh Bác Hồ, thì “cái gì đó” mà nhạc sĩ luôn canh cánh chính là tổ khúc hợp xướng “Cả cuộc đời thao thức” phổ từ thơ của Bác Hồ.

Tổ khúc hợp xướng “Cả cuộc đời thao thức” gồm có 3 phần trên cơ sở 3 bài thơ. Bài thứ nhất “Không ngủ được” được nhạc sĩ viết trên nền nhạc thuần túy dân tộc, bài thứ hai “Đêm không ngủ” dựa trên điệu ru con Phan Thiết của mẹ ông ngày xưa và bài cuối cùng “Cảnh khuya” với hòa thanh hiện đại. Với ông, điệu ru con Phan Thiết có một không hai và thấm đẫm trong huyết quản ông từ thuở còn nằm nôi nên khi có điều kiện, ông lại muốn giới thiệu rộng rãi hơn điệu ru con đặc biệt này đến với mọi người.

Chỉ vỏn vẹn 12 câu thơ của ba bài thơ nhưng qua bàn tay và tấm lòng của lão nhạc sĩ tài hoa, người nghe như cảm nhận được sự dằng dặc khôn nguôi của một người luôn vì dân, vì nước nên cứ “băn khoăn giấc chẳng thành”. Bàng bạc, xuyên suốt trong tổ khúc là những câu hát tạo điểm nhấn “Gió ơi gió, hãy ru Người ngủ được yên lành. Gió ơi gió, hãy ru Người ngủ trọn năm canh…” được lặp đi lặp lại nhiều lần, khi mở đầu, khi kết thúc cũng như khi chuyển sang bài khác giống hệt như tiếng ru nhẹ nhàng, dịu êm của gió đu đưa bên hàng trúc trồng ven lăng Bác, nơi Bác ngủ giấc trăm năm.

Tác phẩm “Cả cuộc đời thao thức” của nhạc sĩ Huy Sô vừa qua đã được đoàn hợp xướng Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng với sự tham gia của người con Phan Thiết là ca sĩ Huỳnh Lợi và nhạc sĩ đã gửi tham gia dự thi giải thưởng âm nhạc hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông tâm sự: “Tôi viết chắc nên viết rất chậm, vì vậy tác phẩm không nhiều. Riêng với tổ khúc hợp xướng này từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành kéo dài 44 năm là điều ấp ủ, tâm đắc nhất của tôi về đề tài Bác Hồ. Trước là dự giải, sau là để đời cho cháu con”.

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Huy Sô và tác phẩm để đời: Tổ khúc hợp xướng “Cả cuộc đời thao thức”