BT- Trong những năm qua, tình hình thiên tai có xu hướng ngày càng gia tăng và khó lường cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, nhất là bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở… Đây là những thách thức lớn trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tình trạng sóng lớn, triều cường và sạt lở bờ biển…
Tàu thuyền neo đậu và đánh bắt hải sản tại vùng biển Phú Quý. |
Nhiều rủi ro trên biển
Theo số liệu thống kê từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2017, trên biển đã xảy ra 88 vụ tai nạn, sự cố, làm chết 36 người, mất tích 14 người, bị thương 8 người. Ngoài ra, làm chìm 25 tàu cá, cháy 4 tàu cá, hư hỏng 19 tàu, 5 tàu nước ngoài bị sự cố khiến 1 người chết và 1 người bị thương. Trong đó, tai nạn phương tiện có 35 vụ, làm chìm 25 tàu cá, hư hỏng 19 tàu; 8 vụ đuối nước khiến 8 người chết…Có thể nhắc đến sự cố trên biển nghiêm trọng là ngày 10/6/2017, tại khu vực hòn Đá Tý, cách đảo Phú Quý khoảng 28 hải lý, tàu vận tải CHEMROAD JOURNEY có 27 thuyền viên trên tàu chở gần 30.000 tấn hóa chất cùng 1.171 tấn dầu hành trình từ Singapo đi Trung Quốc, đến vị trí trên thì bị mắc cạn.
Để ứng phó với nguy cơ tràn dầu, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp tốt với Đoàn công tác của Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, cứu hộ, không để xảy ra sự cố tràn dầu trên biển. Riêng những tháng đầu năm 2018, trên vùng biển Bình Thuận đã xảy ra một số vụ tai nạn trên biển khá nghiêm trọng. Đơn cử, vào ngày 10/4/2018, tàu cá BTh-99041 TS, công suất 140CV, hành nghề bẫy bạch tuộc, chủ tàu là bà Diệp Thị Gái ngụ khu phố 2, phường Phước Lộc (La Gi), do ông Nguyễn Thái Bình làm thuyền trưởng, trên tàu có 4 lao động. Tàu đang trên hành trình ra cửa biển La Gi để khai thác thủy sản thì bị gió mạnh, sóng lớn đánh chìm, dạt vào gần bờ kè đá của dự án lấn biển Vi Nam, phường Phước Lộc, khiến tàu bị lật nghiêng, nước tràn vào khoang tàu. Rất may, các lao động trên tàu đã kịp nhảy xuống nước, bơi vào bờ an toàn…
Chủ động ứng phó mùa mưa bão 2018
Ông Phạm Hùng Sơn - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bình Thuận cho biết, theo các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới, cho thấy xu hướng tăng dần của nhiệt độ mặt nước biển. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ các tháng nửa cuối năm 2018. Đặc biệt, trong năm nay số lượng bão và ATNĐ trên biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trong đó có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, cần đề phòng những cơn bão, ATNĐ hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10,11,12), ảnh hưởng đến khu vực phía Nam nói chung và khu vực Bình Thuận nói riêng. Nhất là thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp. Bão đổ bộ vào vùng ven bờ vẫn có nguy cơ gây ngập lụt và xói lở bờ biển, ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông. Do đó, ông Phạm Hùng Sơn khuyến cáo bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn, để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão, lũ năm 2018.
Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước. Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện tốt nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” theo phương châm 4 tại chỗ; nâng cao năng lực chủ động ứng phó của người dân, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, hướng đến một xã hội an toàn trước thiên tai, góp phần phát triển đất nước bền vững… |
Kiều Hằng