Theo dõi trên

Nhân lực logistics hiện nay ra sao?

14/09/2021, 10:07

BT- Logistics là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết hàng  năm, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Vì thế, triển vọng phát triển của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là rất lớn, mở ra hàng chục ngàn cơ hội việc làm cho sinh viên.

Logistics là gì?

Dù logistics và quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh tế của xã hội, nhưng vì ngành vẫn còn khá mới mẻ với phần lớn phụ huynh và học sinh trên cả nước. Chính vì thế, điều này dẫn đến tình trạng “khát” nguồn nhân lực chuyên môn cho nước nhà nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Hiểu một cách đơn giản, logistics là một trong những ngành “dịch vụ hậu cần”. Đây là quá trình chuẩn bị hàng hóa, sắp xếp, đóng gói, kẻ ký mã hiệu, bảo quản hàng hóa, vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, dịch vụ khách hàng… Nói cách khác, logistics là “nhân vật trung gian” để đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Logistics góp phần lớn vào sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp tổ chức hiệu quả khâu vận chuyển, dự trữ cũng như những dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, doanh nghiệp đó sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể về nhân lực và thời gian, giúp giá thành sản phẩm hạ thấp, gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

 Logistics học những gì?

Học chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Phan Thiết, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về: Quy trình vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ của hàng hóa với nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt và đường biển. Phương thức marketing quốc tế, quản trị chiến lược, xây dựng - quản lý hệ thống các chuỗi bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải một cách tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa. Quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải. Cách phân tích luồng hàng, xác định nhu cầu khách hàng, quy hoạch trung tâm phân phối và quản trị quy trình phân phối từ trung tâm đến khách hàng…

Sau khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung… Cụ thể, những vị trí công việc của nghề logistics gồm có: Chịu trách nhiệm tập hợp và phân tích dữ liệu, xác định vấn đề và phát triển những khả năng hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng; thu mua; chuyên viên kiểm kê; nhân viên quản lý hàng hóa…

H.Châu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân lực logistics hiện nay ra sao?