Nên khuyến khích hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái. |
Bất bình đẳng giới còn tồn tại
Bình Thuận là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính cao. Qua kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta là 111%, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố về MCBG TKS. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh từng bước được khống chế tốc độ gia tăng. Năm 2014 là 109,2%; 2015 là 111,8% và năm 2016 là 110,3% (110 bé trai/100 bé gái). Nhưng tỷ số này còn ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước, theo quy luật tự nhiên bình thường ở mức 103 bé trai/107 bé gái. Nguyên nhân đầu tiên và có ý nghĩa quyết định dẫn đến tình trạng MCBGTKS đó là bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong ý thức và hành động của một bộ phận nhân dân. Với tư tưởng trọng nam hơn nữ, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, tạo thu nhập chính trong gia đình, chăm sóc bố mẹ khi tuổi già. Bên cạnh đó, với ý nghĩa con mang họ cha, con trai mới được nối dõi tông đường, mới được vào nơi thờ tự, con gái lấy chồng phải theo chồng… đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Cùng với đó là việc thực hiện chính sách quy mô gia đình nhỏ đã tác động mạnh dẫn đến nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn sinh con trai. Đặc biệt là những cặp vợ chồng chỉ có con gái trong những lần sinh trước đó.
Từ những quan niệm lỗi thời đã ăn sâu trong tiềm thức cộng với việc thực hiện bình đẳng trong cơ hội học tập, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ vẫn còn những bất cập. Mặt khác, nhận thức của người dân vẫn chưa đầy đủ về hậu quả của tình trạng MCBGTKS. Việc truyền bá những phương pháp lựa chọn giới tính theo kinh nghiệm dân gian diễn ra rộng rãi dưới nhiều hình thức. Trong khi đó, tình hình thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi; xác định giới tính thai nhi và loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính và các văn bản quy định chuyên ngành về các dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh còn hạn chế. Đặc biệt là việc quản lý dịch vụ siêu âm và phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân. Với tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta vẫn tiếp diễn như hiện nay, nguy cơ mất cân bằng giới tính trầm trọng theo hướng thừa nam, thiếu nữ trong thời gian tới sẽ không tránh khỏi, nếu không được kiểm soát sẽ để lại hệ lụy lâu dài. Từ đó, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác…
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Sau 1 năm thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2020, đến nay 127 xã, phường, thị trấn đã được triển khai đồng loạt. Trong năm qua, với gần 20 lớp tập huấn; 140 cuộc nói chuyện chuyên đề tuyên truyền MCBGTKS với hàng ngàn lượt người tham gia. Ngành dân số đã phối hợp với Trường Chính trị đưa nội dung MCBGTKS vào giảng ở 3 lớp trung cấp lý luận chính trị. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền tại một số địa điểm đông dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nhờ đó, đã khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 ở mức 110%, chỉ tiêu tỉnh giao không vượt quá 114%. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ của đề án đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong thực hiện các quy định của pháp luật đối với việc lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, tăng cường lồng ghép nội dung về giới và bình đẳng giới, kiểm soát MCBGTKS vào giảng ở Trường Chính trị, các trường phổ thông, cao đẳng, trung cấp. Tổ chức các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, sáng tác thông điệp. Song song, thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái trong gia đình sinh con một bề là gái. Tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và MCBGTKS cho những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.
THU HÀ