Hành lang an toàn giao thông theo quy định là toàn bộ dải đất dọc phía 2 bên đường giao thông từ phía 2 bên mép ngoài của tuyến đường giao thông kéo dài sang 2 bên với mục đích đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông ngày càng diễn ra trầm trọng. Việc lấn chiếm không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng các công trình giao thông công cộng mà còn làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông khi vỉa hè, hành lang đường biến thành vỉa hè nhà, hành lang nhà; đẩy người đi bộ đi xuống lòng đường, nhất là các em nhỏ, chưa đủ nhận thức để quan sát. Nhiều vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra gần đây do xe tải, xe ben mất lái lao vào nhà dân. Bên cạnh những nguyên nhân như chất lượng xe, tài xế... không thể bỏ qua mối nguy đã tồn tại lâu nay: nhà dân xây lấn chiếm đường, vi phạm nghiêm trọng an toàn giao thông.
Thực tế, tình trạng vi phạm, lấn chiếm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Phan Thiết đã được xử lý như kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” hoặc không thể xử lý. Không khó nhận ra, rất nhiều tuyến đường hoàn toàn không có vỉa hè hoặc có cũng như không như: đường Lê Thị Hồng Gấm (phường Phú Trinh), đường Yersin (phường Phú Trinh), đường Trần Phú (phường Lạc Đạo), đường Nguyễn Huệ (phường Đức Nghĩa), đường Từ Văn Tư (phường Phú Trinh)… Phần vỉa hè trên những tuyến đường này không bị nhà dân xây dựng lấn chiếm thì cũng bị những hộ kinh doanh bày hàng hóa, bàn ghế… lấn chiếm.
Căn cứ Điều 10 về lấn, chiếm đất ở Nghị định 102/2014/NĐ-CP đã quy định; với hành vi này, đã có chế tài xử phạt hành chính và người có hành vi vi phạm phải có trách nhiệm tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Chế tài đã có, trách nhiệm thuộc về cơ quan ban, ngành nào cũng đã được nêu cụ thể; thế nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra trên nhiều tuyến đường, bất chấp những cảnh báo nguy hiểm về tài sản và tính mạng con người.
Khánh Lâm