Các thành viên phun thuốc khử khuẩn toàn thành phố. |
3 ngày đêm “nín thở”
Thành phố bỗng im bặt. Tất cả dường như đang nín thở chờ đợi. Hơn 5 giờ chiều, ngày 12/3/2020, trên các tờ báo điện tử chính thống và cả mạng xã hội lần lượt chạy dòng tin: Thêm 5 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng ca nhiễm bệnh ở Bình Thuận lên 9 người. Cảm giác của suy sụp, của lo sợ cứ dâng lên trong lòng người dân ở thành phố biển. Nghe tin này, anh Chế Ngọc Thạch - Tiến sĩ, Trưởng Khoa Ký sinh trùng - côn trùng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong những ngày qua chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật chuyên môn trong việc phun hóa chất khử khuẩn - xử lý môi trường dường như đã lường trước. Vì ở cơ quan, có 4 đội đáp ứng nhanh như lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ… Nhưng với tình hình số ca nhiễm Covid-19 cần phải phun khử khuẩn nhiều nhà, nhiều khu vực, anh đã đề nghị thành lập thêm 1 đội gồm những người có tên trong danh sách 4 đội trên và bổ sung thêm 2 thành viên nữa, nâng tổng số lên 6 người và chia làm 2 tổ để sẵn sàng đáp ứng làm nhiệm vụ.
Bắt đầu từ chiều ngày 10/3, khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở tỉnh mà Bộ Y tế đã công bố số 34, đội của anh lúc ấy có 4 người đã ăn vội ổ bánh mì rồi “quần thảo” phun xịt thuốc Cloramin B diệt virus corona tại nhà ở và người nhà liên quan cùng các cơ sở kinh doanh mua bán của bệnh nhân 34, mãi từ 6 giờ 30 chiều cho đến 12 giờ đêm nhưng vẫn chưa xong. Vì có đến 7 căn nhà, cơ sở phải phun sớm, nằm rải từ đường Tuyên Quang sang Hùng Vương, Tôn Đức Thắng rồi quay lại Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ và Ngô Sỹ Liên. Đêm hôm ấy, nhìn đồng hồ đã 12 giờ, anh Thạch và 3 anh em khác cùng chung suy nghĩ không thể về nhà lúc này được, phải về cơ quan nghỉ tạm ở dãy nhà hậu cần phía sau. Vì thời gian quá khuya và cũng vì muốn bảo vệ sức khỏe của gia đình. Chẳng phải nhọc nhằn này của đội là bởi thúc bách thời gian phải phun cho xong những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như trên, cũng vì sức khỏe của cộng đồng. Thế là tất cả đều đồng lòng, không về nhà. Mà thực sự, cũng không có thời gian để ghé về nhà được. Vì ngày hôm sau, 11/3, 9 giờ sáng, đội lại lò dò qua phun cho xong 7 địa điểm trên.
Chiều ngày 11/3. Dứt việc, nghỉ được 1 tiếng thì có thông tin thêm 3 người liên quan đến người thân của bệnh nhân 34 này bị dương tính, trong đó có 1 người làm việc tại 1 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Phan Thiết. 6 giờ chiều, đội lại phun xịt ở 6 nhà có người tiếp xúc gần với 3 bệnh nhân trên kéo dài đến 12 giờ đêm mà vẫn không kịp. Chiều 12/3, có thêm 5 ca nữa bị dương tính, vì thế danh sách phải phun thuốc diệt virus lại nối nhau dài thêm. Ngày 13/3, Bình Thuận gửi đi 67 mẫu và nhận về 67 mẫu âm tính. Mừng quá, anh em trong đội suýt ôm nhau nhưng khựng lại, vì đâu thể ngưng phun xịt những địa điểm mới và cả những nơi đã phun đêm ngày 10/3, đến lúc phải phun lần 2 theo quy định. Đội lại chia làm 2 tốp lên đường lúc 6 giờ chiều. Lại thêm một đêm nữa, phải 12 giờ đêm mới về chỗ ngủ “dã chiến”.
“Chiến tích”
Anh Thạch kể tôi nghe lịch trình chi tiết và dày đặc như thế vào buổi trưa ngày 14/3 tại chỗ “ngụ cư dã chiến” của đội ở phía sau Trung tâm Y tế dự phòng cũ (cơ sở 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật), như thể để tôi thông cảm vì sao “năm lần bảy lượt” không thể sắp xếp cho một cuộc gặp đàng hoàng. Nhưng bây giờ cũng đã gặp được. Cả đội vừa tắm giặt xong nhưng nét mặt ai cũng mệt mỏi, lộ vẻ mất ngủ tích tụ nhiều ngày. Đã hơn 12 giờ trưa, 6 hộp cơm đã để sẵn trên bàn nhưng không ai muốn ăn. Vì ngại khách? “Không, vì chưa nuốt nổi đó chị. Mùi thuốc xộc vào cổ làm khô khốc vòm họng. Uống 2 ly nước mà vẫn chưa phai” - Nguyễn Ngọc Chí (sinh năm 1983), nhỏ tuổi nhất trong đội nói. Chí là tài xế, từng biết phun, vào lúc này lái xe chở cả đội đi và tham gia phun thuốc luôn. Với sức trẻ nhưng Chí cũng than ê ẩm, nhức mỏi mình mẩy như người già trong mùa đông giá rét khiến 5 anh em trong đội, trong đó có 4 người đang ở lứa U40 vỗ lưng cười nghiêng ngả. “Nhức mỏi, chỉ có em cảm nhận, còn anh chân, tay đều bị loét nè!”- anh Ngô Phùng Thiên Phúc (sinh năm 1975), được mấy anh em trong đội xếp là người chuyên pha thuốc, dù anh cũng vác bình đi xịt như ai, giơ chân, tay cho tôi xem. Đúng là chân tay của anh có màu rất lạ, màu của ngấm hóa chất clo... nhiều ngày rửa mà không sạch, cứ mốc thếch như tắc kè hoa. Chí phản pháo lại, chỉ lên mặt: “Đây này, mặt em cũng bị loét chứ!” Trong lúc ấy, anh Thạch đang nói chuyện với tôi về lịch phun xịt đang nhiều lên, giờ đã tới nhà F1, F2 thì bên này vẫn cứ rôm rả: “Xoàng hết, 2 anh em thấy lưng tao chưa, mông tao chưa, loét hết. Tao cẩn thận lắm nhưng hôm trước, vác bình xịt vội quá, nước chảy vào lúc nào không hay”. “Nếu vậy, chắc chắn chỗ nào kín nhất của anh cũng bị…”, “Cái thằng, chuyện này mà mày không hiểu sao, còn hỏi…”. Sự tranh cãi “trẻ trung” ấy khiến tôi cảm nhận họ yêu nghề biết bao, không quản ngại gian khó, thậm chí là nguy hiểm vào lúc này, thời điểm mà ai ai cũng tìm mọi cách tránh xa những nơi có nguy cơ lây nhiễm. Còn họ thì phải xông vào những nơi ấy sớm nhất, nhanh nhất để diệt con virus corona và trong hành trình ấy, ai biết điều gì xấu nhất không xảy ra…
Như để tôi hiểu hơn, anh Nguyễn Văn Triệu, anh Ngô Thái Dương và em Trần Trường Ninh góp chuyện về lý do vì sao ai cũng có “chiến tích”. Chiếc máy phun thuốc với kích cỡ lớn, nếu tính luôn cả bình nước 10 lít và 200g thuốc Cloramin B thì người phun phải vác trên vai khoảng 25 kg và di chuyển liên tục khắp các ngóc ngách trong từng căn phòng và không được va chạm bất cứ vật dụng gì nên rất nhọc. Nhưng khổ nhất là nhà lầu mấy tầng, việc mang bình thuốc như thế trên lưng lên từng tầng phun xịt là một cực hình. Lúc này, chiếc áo bên trong đã ướt đẫm mồ hôi do mặc đồ bảo hộ bên ngoài, lại vác bình nặng nên nhịp thở của người phun lúc này cũng không thể tự nhiên. Càng thở nhiều, chiếc khẩu trang ướt đẫm mồ hôi càng làm cản trở quá trình hô hấp. Người phun chỉ có thể hít một nhịp rất ngắn rồi thở chậm ra. Miệng đã khô khốc hơi thuốc lại khát nước nhưng không thể uống, vì từ đầu đến chân đều được bảo hộ kín mít. Thế nhưng, vì áp lực thời gian, vì vội, nếu đậy nắp bình không chặt thì trong hành trình phun xịt, trước sau nước thuốc cũng bị chảy ra, thấm vào người. Rồi việc cọ xát, va đập vô tình trong quá trình máy hoạt động để phun, mới xảy ra tình cảnh đầy “chiến tích” trên, điều mà trước đây vào lúc dịch cúm gay gắt như năm 2009, những gương mặt này cũng từng đi phun xịt nhưng ít bị.
Quay cuồng
Cái nhọc nhằn khác xuất phát từ việc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo hộ để bảo vệ bản thân không bị lây nhiễm và những nơi đã phun bảo đảm sạch virus, không gây lây nhiễm chéo từ nhà này sang nhà khác. Vì thế, sau khi kết thúc 1 điểm phun, ngay tại nơi ấy, mỗi cá nhân cởi bỏ lần lượt từ mặt nạ chống độc, đồ bảo hộ, tháo găng tay 2 lớp… và cuối cùng là thả đôi ủng vào chậu nước pha clo để sẵn. 20 phút sau, mang ủng ra giặt lại bằng nước, phơi ráo. Sau đó, lên xe đến điểm phun khác thì bắt đầu trang bị lại từ đầu đến chân bằng đồ bảo hộ, mặt nạ chống độc, găng tay, găng chân, mắt kính mới và mang lại đôi ủng vừa giặt. Cứ thế, trong 1 đêm phun 5 chỗ thì phải thay 5 lần dụng cụ bảo hộ từ đầu đến chân. Dù cho các thành viên này rất thành thạo, thao tác nhanh nhưng với lịch phun dày đặt trên, khiến thời gian không đủ nhiều lại càng bị thu hẹp hơn. Và vì thế, những ngày qua, lúc nào đội này cũng ở trạng thái quay cuồng.
Đang nói chuyện rôm rả, có chuông điện thoại của ai reo. Ninh bắt máy. Đầu dây bên kia, tiếng em bé nói một hồi dài như giận dỗi gì đó. Ninh nói lại nhưng theo kiểu không có gì chắc chắn về thời gian: “Vài ngày nữa, ba dzề!”. Tắt máy, Ninh than: “Trời! thằng bé gọi đến mấy chục cuộc mà đâu thể nghe máy! Nhớ con quá!”. Những người khác cũng mỗi người một câu như nói về nỗi lòng hiện tại. Người thì nhớ vợ. Người thì mấy ngày rồi, không về nhà được, đi ngang qua nhà mà không thể vô nhà… thì điện thoại anh Thạch reo. “Cần phải phun lại khách sạn 1991 ở số 24 Nguyên Hồng theo lịch trình quy định, vì nhân viên của Công ty ToTo đã ở đây vừa bị dương tính! Phải làm sớm, vì chiều nay 3 giờ, đội phải tham gia vào lịch trình phun xịt những điểm trọng yếu toàn thành phố” - anh Thạch nói.
Khi tôi đang viết đoạn kết bài này thì toàn đội vẫn miệt mài phun xịt tất cả những điểm, tuyến đường liên quan, dù 3 ngày qua, Bình Thuận có 177 mẫu đều âm tính với virus corona. Tôi nhớ lời anh em động viên nhau vào buổi trưa hôm ấy: “Gắng lên, gần hết virus corona rồi!”. Còn tôi muốn động viên họ bằng câu: “Gắng lên, các anh là những “dũng sĩ” diệt virus corona!”.
Phóng sự: Bích Nghị