Theo dõi trên

Những ngày Quốc khánh ở mũi Kê Gà

31/08/2018, 08:47

BT- Bất kể thời cuộc thế nào, những gì đi qua cuộc đời chúng ta đều có những giá trị nhất định, ít nhất cũng là kỷ niệm. Những ngày Quốc khánh ở mũi Kê Gà của chúng tôi là một chuỗi kỷ niệm khó phai. Những năm 84, 85 của thế kỷ trước tôi dạy học ở Tân Thành, nơi có mũi Kê Gà với ngọn đèn biển nổi tiếng. Với chúng tôi, những thầy cô giáo hầu hết ở xa đến và những chuyên gia, kỹ sư Liên Xô trông coi ngọn đèn biển, mỗi ngày Quốc khánh 2/9 của Việt Nam và Quốc khánh 7 tháng 11 của Liên Xô đều là những ngày hội tình thân, ăn uống thỏa thích và ca hát vui vẻ suốt ngày.

                
   Mũi Kê Gà nhìn từ xa. Ảnh: N.Lân

Khi ấy vẫn còn tồn tại một Liên bang Xô Viết rộng lớn gồm 15 nước Cộng hòa Xô Viết nên chỉ có kỹ sư Andrei là người Nga, Mikhail và Anton hình như là người Ukraina. Lần đầu, nhân ngày Quốc khánh Liên bang CHXHCN Xô Viết 7/11/1984, chúng tôi nhờ một chiếc thúng của ngư dân Kê Gà đưa ra đảo (đảo có ngọn đèn biển tên chính thức là đảo Kê Dữ nhưng dân địa phương cứ gọi đảo Đèn hoặc gọi chung nơi đó là Hải Đăng), đơn giản là chúng tôi ra đó để chúc mừng Quốc khánh như một hoạt động khác ngoài việc giảng dạy. Sự thể bất ngờ là chúng tôi được tiếp đón rất niềm nở, trọng thị, có cả tiệc mừng, thức ăn dọn đầy cả chiếc bàn lớn. Lúc bấy giờ có anh Nguyễn Văn Hiền là một thông dịch viên rất nhiệt tình nên chúng tôi cũng thấy không trở ngại gì lớn lắm về ngôn ngữ. Cuộc trò chuyện nhanh chóng trở nên chân tình và vui vẻ. Andrei cho biết các anh rất xúc động vì có đoàn thầy cô giáo “nhớ ngày Quốc khánh của chúng tôi mà đến thăm”. Anh hỏi ngày Quốc khánh Việt Nam và đề nghị chọn 2 ngày Quốc khánh của 2 nước để gặp nhau trên đảo Đèn này vào năm sau.

Anton là một thanh niên cao lớn bảo rằng ở đây không có nhiều người, anh rất nhớ quê hương, các bạn đến thăm làm cho anh vui mừng không lời nào diễn tả hết. Các anh mang tặng chúng tôi nhiều hộp đường thỏi, phomat, rượu vodka và cả giỏ những hủ dưa chuột muối chua. Ở đây, tiêu chuẩn các anh rất cao, mỗi quý đều có trực thăng mang thực phẩm và các nhu yếu phẩm đến, “chúng tôi không xài hết đâu, khi nào cần các bạn cứ nói”, Mikhail vừa vui vẻ trao quà vừa nói.

Về phía chúng tôi, chẳng có gì nhiều, chỉ có 2 lít rượu gạo mà chính tôi đi tuyển được, mang ra tặng các bạn Liên Xô. Thời ấy, chúng tôi chỉ đủ tiền uống rượu cồn chứa trong bao gọi là rượu công-xi, rượu gạo chỉ dùng khi tiếp khách quý. Tôi giải thích với các anh rượu này được nấu bằng gạo giả bằng cối chày tay và nước nhỉ từ trong động cát trắng ra, các anh tò mò đòi gác mấy chai Vodka lại để uống rượu gạo. Qua ngụm rượu thứ nhất cả 3 anh đều thích, gật đầu liên tục. Sau bữa rượu hôm đó, Andrei nhờ tôi mua giùm cho họ vài lít, cuối tuần họ vào lấy.

Cuối tuần đó, Andrei không vào trường lấy rượu gạo được vì một sự cố bất ngờ. Đêm đó, không hiểu lọ mọ lục giấy tờ sao đó mà Adrei bị bọ cạp chích. Lần đầu tiên trong đời bị bọ cạp chích nên anh kinh hoàng hét lên, ôm tay đau đớn rồi anh gọi điện thoại vào trạm xá địa phương yêu cầu y sĩ ra đảo ngay trong đêm, mặc cho anh Hiền thông dịch viên nói gì cũng không nghe. Anh Hiền nói tên con vật đang cong vòi đó là bọ cạp, Andrei vừa nhảy tưng tưng vừa lặp lại “b..o… cáp… đau quá!”. Cuối cùng thì chiếc thúng của trạm y tế cũng ra đến nơi, chỉ một liều thuốc giảm đau là êm ngay nhưng Andrei phải mất cả ngày hôm sau lục tung tất cả lên để… “diệt bo cáp”.

Ngày 2/9 năm sau, đúng như lời hẹn, dù chưa tới ngày khai giảng nhưng tất cả giáo viên đều phải có mặt trước đó, chúng tôi lại mang rượu gạo và mấy ký thịt heo rừng ra Hải Đăng ăn mừng Quốc khánh Việt Nam. Thực sự, đời sống chúng tôi lúc đó rất khó khăn, tất cả đều phụ thuộc vào những mẫu tem phiếu tiêu chuẩn, những thứ thức ăn thức uống sang trọng đó là của phụ huynh học sinh cho. Ra đến nơi, thật ngạc nhiên khi chúng tôi thấy bàn tiệc đã được dọn ra rất trang trọng, rất nhiều phomat và thịt hộp, cá hộp được chế biến thành nhiều món khác nhau, đặc biệt người Liên Xô ăn nhiều phomat nên giữa bàn có một đĩa phomat lớn. Lần này, Andrei đề nghị đãi vodka, anh giải thích: “Vì chuyến hàng tiếp tế lần này có mấy chai vodka Beluga, là niềm tự hào của người Nga”. Quả thật như vậy, những chai Beluga cá tầm đúng là loại rượu hảo hạng, nặng nhưng thơm, dễ uống tựa như đặc sản rượu Bàu Đá của ta. Trưa hôm đó, tôi còn nhớ như in, một cô giáo của trường tôi hát tặng các anh chàng Liên Xô bài Tình khúc Kachiusa:

“…Rằng chớ quên duyên xưa ở bên dòng sông này

Giữ yên làng quê tình Kachiusa đang chờ.”

Khi bài hát kết thúc, chàng trai Nga và hai chàng Ukraina ngồi lặng đi, mắt nhìn xa xăm, mãi lúc sau mới giật mình vỗ tay. Tôi nghĩ dù không biết lời Việt nhưng chính giai điệu âm nhạc ấy đã đưa họ một thoáng trôi về tận quê hương xa xôi của mình, với những người thân và có thể với người con gái nửa kia của họ. Lúc ấy, thông tin và những hiểu biết của chúng tôi về Liên Xô rất hạn chế, cô giáo ấy cũng chỉ biết một bài Kachiusa, không thể hát thêm một giai điệu nào của quê hương các anh nữa. Lúc vui trở lại, Mikhail đề nghị chúng tôi hát quốc ca của mình, đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi hát quốc ca không phải trong lễ chào cờ nhưng kỳ lạ lại thấy cái khái niệm về Tổ quốc rõ ràng nhất và thiêng liêng nhất.

Quốc khánh là ngày lễ thiêng liêng của một quốc gia, bất kỳ con dân của quốc gia nào cũng đều ý thức về ngày lễ trọng đại này. Có những chiến sĩ ngoài chiến trận hát vang quốc ca giữa bom rơi đạn nổ, giữa máu và nước mắt vì biết rằng hôm đó là ngày Quốc khánh thiêng liêng của Tổ quốc mình. Những kỷ niệm của tôi về ngày Quốc khánh thật giản dị, nhẹ nhàng và vui vẻ nhưng tôi biết những phút giây như vậy không dễ có trong suốt một đời người. Tôi trân trọng ký ức là vì vậy. 

Tùy bút:NGUYỄN tÂN HẢI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ngày Quốc khánh ở mũi Kê Gà