Anh Võ Hữu Hải. |
1. Những ngày giáp tết, không khí tại vườn thanh long của anh Võ Hữu Hải (sinh năm 1981 ở thôn 3, thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc) bớt trầm hơn, khi công nhân ra vào chuẩn bị thu hái thanh long. Sau thất bại của những pha chong đèn trước, khoảng 650 trụ đợt này cho trái to, đẹp hơn, hứa hẹn tín hiệu rất khả quan về giá cả.
Câu chuyện làm giàu của anh Hải xuất phát từ năm 2005. Với sức trẻ, anh mạnh dạn chuyển đổi các cánh đồng lúa 1 vụ sang trồng cây thanh long. Nắm phần thắng từ 600 trụ ban đầu, vợ chồng anh mở dần diện tích, đến nay là 2.600 trụ. Anh Hải cho biết: “Thanh long cũng như các loại cây trồng khác, phải đầu tư kỹ mới cho thu hoạch cao. Sau những pha chong đèn, sức khỏe cây yếu đi rất nhiều, nếu không chú ý chăm sóc, dưỡng cành, cây càng nhanh suy kiệt”.
Được biết toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình anh trước đây khá khô cằn. Để thanh long trụ được trên đất và cho “quả ngọt”, vợ chồng anh phải đào các ao tích trữ nước, vay vốn hạ bình điện. Thậm chí với 1,3 ha diện tích trồng lúa cũng phải linh hoạt chuyển đổi giống, nắm vững lịch gieo trồng để hạn chế công chăm sóc, phân thuốc, sâu bệnh và cho năng suất cao. Như vụ hè thu 2019, anh chuyển sang trồng giống lúa TH6, thay vì ML48, nhờ đó năng suất lúa đạt trên 6 tạ/sào.
Anh Hải hiểu những giá trị khi tham gia sản xuất thanh long theo hướng sạch, an toàn, nên mấy năm nay rất tích cực tham gia vào tổ VietGAP của thôn. Trong các buổi họp tổ, câu chuyện sử dụng phân thuốc hợp lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phục hồi cây trồng… được hội viên chia sẻ, bàn thảo sôi nổi, giúp nhau cùng phát triển. Từ cây thanh long, gia đình anh Võ Hữu Hải có cuộc sống sung túc, với thu nhập hàng năm gần 600 triệu đồng. Đón năm mới này, những vạt cúc, hướng dương được vợ anh Hải trồng xung quanh nhà đã khoe sắc vàng tươi, dự báo một năm sung túc.
2. Ở thôn Ku Kê, xã Thuận Minh, Hàm Thuận Bắc, ai cũng biết ông Mang Hanh, bởi không chỉ nổi tiếng là gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mà ông còn là người có uy tín trong thôn.
Bắt đầu từ những sào ruộng, đất rẫy, nhưng nhờ chịu khó trong lao động và nhanh nhạy, vợ chồng ông tích lũy mở cửa hàng buôn bán và làm đại lý thu mua sản phẩm nông nghiệp, đồ thủ công cho bà con. Cùng với đó mua thêm máy cày, máy xới đi cày thuê khắp nơi trong vùng. Từ khi có nước Sông Quao dẫn về, các khu ruộng của gia đình ông có thể sản xuất 3 vụ/năm. Vì thế để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, ông đã thay đổi tập quán sản xuất lâu nay. Bắt đầu từ việc mua giống mới, thay vì lấy giống từ lúa thịt. Đồng thời giảm lượng giống gieo sạ, điều này vừa đỡ tiền giống, vừa hạn chế mật độ số cây lúa trên ruộng, hạn chế sâu bệnh phát sinh, hao tốn thêm tiền phun xịt thuốc và phân bón. Nhờ thế các chân ruộng bao giờ năng suất cũng vượt trội hơn hẳn, thu về trên 6 tạ/sào.
Ông Mang Hanh. |
Bây giờ đã ngoài 50 tuổi, ông giao lại ruộng đất cho các con, chỉ còn giữ 1,3 ha sản xuất lúa, 4 sào đất rẫy và một ít đất trồng thanh long. Tuy nhiên ông vẫn luôn theo sát để truyền lại kinh nghiệm và hướng dẫn các con trồng trọt. Ông Mang Hanh nói: “Trải qua nhiều khó khăn, gia đình tôi mới có cuộc sống như hôm nay. Bởi thế tôi luôn khuyên con cháu và bà con trong thôn phải chịu khó học hỏi, áp dụng cái mới, cái hay trong sản xuất, biết tích lũy mới mong cuộc sống ổn định”.
Tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi của ông Mang Hanh là động lực khích lệ đồng bào dân tộc Rai ở thôn Ku Kê và các dân tộc thiểu số khác trong tỉnh không ngừng nỗ lực vươn lên trong lao động, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo.
Trọng Nhân