Theo dõi trên

Những nụ cười mãi mãi tuổi hai mươi

21/07/2023, 06:07

Ba tôi là một cựu chiến binh.

Theo lời ông kể, ông là một y tá quân y, chuyên cấp cứu cho bộ đội bị thương. Ngày giải ngũ, cơ thể ông vẫn còn lành lặn. Như một phép màu. Bà nội ôm ba tôi khóc ngất vì bác hai và bác tư đã mãi mãi không về. Với bà, sự trở về của ba là món quà lớn nhất mà ông trời dành tặng.

10-bao-boi-bat-kha-li-than-cua-bo-doi-cu-ho-417-1514025554-width700height482.jpg

Khi tôi sinh ra đời bà nội đã không còn nữa. Bà mất từ sớm. Sau khi bà mất, không biết vì buồn hay vì phải lo miếng cơm cho bầy con sáu đứa mà ba tôi quyết chí rời quê đem cả nhà vào vùng kinh tế mới lập nghiệp. Tôi chỉ biết mặt bà qua tấm ảnh thờ. Một người đàn bà quê mùa trán đầy những nếp nhăn khắc khổ.

Ba tôi có một cái rương sắt nho nhỏ khóa kín, cất kỹ dưới gầm giường. Hồi nhỏ, chị em tôi tò mò mở ra xem bên trong có gì, chỉ thấy một bộ quần áo lính đã bạc màu. Đứa nào đứa nấy thất vọng vì cứ tưởng bên trong phải có gì quý giá lắm. Từ đó chẳng đứa nào thèm mở chiếc rương sắt nữa. Chỉ có ba quý chiếc rương cũ kỹ kia. Hễ mỗi lần tháng bảy về là ba lại lôi bộ quân phục ra giặt sạch, ủi phẳng và treo lên ngồi ngắm. Có những ngày ba mặc bộ đồ cũ ấy đạp xe ra khỏi nhà từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Lặp đi lặp lại cả tuần như thế bất kể nắng mưa. Lúc nhỏ tôi chẳng chú ý tới việc làm lạ lùng này của ba, nhưng khi bắt đầu lớn tôi bắt đầu thắc mắc sao ba lại lặp đi lặp lại hành động này đều đặn mỗi năm. Tôi hỏi dò mẹ, mẹ thở dài bảo ba đi quét dọn nghĩa trang liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ là gì mà năm nào ba tôi cũng phải đi quét dọn, lại còn mặc bộ đồ cũ kỹ bạc phếch kia. Tôi đem thắc mắc đó vào đại học. Gần khu ký túc xá của tôi có nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Nơi này yên tĩnh nên những ngày ôn thi tôi thường lang thang vào đây học bài. Khung cảnh được bố trí khá đẹp, có hồ sen, có những cây dương trồng dọc lối đi, có những bụi cây trang bông to rực rỡ, có sứ trắng thơm ngát, có ghế đá để ngồi… Vậy mà lại vắng tanh đến mức lạnh người. Tôi xin phép người quản trang được vào đây học bài. Ông cười hiền: Cứ vào học đi con, mà đừng đi xa nhen kẻo lạc. Dù vậy có ngày tôi cũng lén ông đi khắp nghĩa trang để khám phá xem nơi này rộng lớn thế nào. Càng xuống phía dưới nghĩa trang càng vắng vẻ. Có những bãi đất trống cây dại mọc um tùm. Tới một bãi cỏ nở đầy bồ công anh trắng muốt, tôi ngồi bệt xuống thở, rồi nằm ngắm mây bay thong thả trên bầu trời.

Vào những ngày tháng bảy, nghĩa trang có phần nhộn nhịp hơn. Nhiều người vào đây quét dọn, nhổ cỏ, trồng những cây bông bên cạnh mộ liệt sĩ. Tôi tò mò hỏi người quản trang già, ông giải thích rằng sắp tới ngày giỗ của các liệt sĩ nên người nhà họ vào quét dọn, trang trí lại mộ cho các anh. Còn khu phía dưới kia toàn những ngôi mộ vô danh thì ông quét dọn thắp nhang cho các anh để đỡ lạnh lẽo. Khi hiểu ra, tôi phụ ông quét dọn, lau sạch mộ phần, rồi thắp nhang cắm khắp các ngôi mộ.

Buổi tối trở về ký túc xá, tôi nằm vật ra suy nghĩ. Bỗng nhớ ba tôi, người mà năm nào tới tháng bảy cũng lôi bộ quân phục cũ ra giặt sạch, mặc và đạp xe đi sáng đến tối mịt mới về. Những ngày tháng bảy này ông hay nằm võng ngoài hiên hút thuốc không ngủ. Mẹ hay càu nhàu ông sao không ngủ cứ nằm lì ngoài đó hút hoài hút mãi. Thì ra mẹ con tôi chẳng thể hiểu được sâu trong trái tim ba đang thổn thức những cảm xúc ngày xưa thời áo lính. Quân y chiến trường, chắc hẳn ba tôi đã tận mắt chứng kiến những vết thương kinh hoàng, những cơn đau vật vã và sự từ giã cõi đời của những người lính. Có lẽ trong tâm trí ông vào tháng bảy đang sống lại thời bom đạn khi xưa nên thường trầm ngâm một mình. Tôi tưởng tượng ra cảnh ông mặc quân phục bạc màu, lặng lẽ lau chùi những ngôi mộ vô danh, mắt đỏ hoe vì nhớ thời áo lính, lại thương ba bao năm cô độc một mình chẳng ai hiểu được niềm tâm sự sâu thẳm, chẳng ai hiểu được nỗi đau trong lòng ông.

Ba tôi là một cựu chiến binh.

Ngày ba mất, hội cựu chiến binh mặc quân phục chỉnh tề, đeo huy chương trên ngực, tới làm lễ chào tiễn biệt ba. Mẹ đặt bộ quân phục cũ và bộ quân phục mới ba thường mặc đi sinh hoạt hội cựu chiến binh vào cho ba. Mẹ bảo hai bộ quần áo này ba rất quý phải bỏ vào đầy đủ để ba đi. Ngay cả ảnh thờ, mẹ cũng lấy tấm hình ba chụp hồi đi trại nghỉ dưỡng của cựu chiến binh, mặc quân phục, ngực đeo huân chương, đầu đội nón, để làm ảnh thờ. Ánh mắt ba trong ảnh như đang cười. Mỗi lần nhìn di ảnh, nhìn ánh mắt ấy tôi lại sa nước mắt. Mới hiểu nỗi đau của những người thân của liệt sĩ. Hài cốt chưa tìm được, mỗi năm làm giỗ chỉ làm theo ngày ghi trên giấy báo tử. Nước mắt họ đã khô rồi chẳng còn chảy được nữa.

Tháng bảy năm nay tôi viếng mộ ba và viếng mộ những liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang của tỉnh. Thắp nén nhang thơm, cúi lạy ba lạy, thầm cảm ơn các anh những con người đã không tiếc máu xương hy sinh cả tuổi thanh xuân để giữ cho mảnh đất này được hòa bình. Tôi thầm khấn cầu cho gia đình tìm được các anh để nhang khói thường xuyên, để di ảnh được đặt lên mộ phần, những nụ cười mãi mãi tuổi hai mươi…

MỸ MỸ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khai thác giá trị văn hóa Chăm phục vụ du lịch Bình Thuận
Bình Thuận là vùng đất có nền văn hóa đặc sắc và đa dạng tập hợp của nhiều dân tộc cùng sinh sống. Một trong số các dân tộc gây được ấn tượng nhờ các giá trị văn hóa đặc sắc đó chính là cộng đồng người Chăm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nụ cười mãi mãi tuổi hai mươi