1. Những ngày qua, câu chuyện hàng loạt công ty điện mặt trời trên địa bàn tỉnh bị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) về kiểm tra và chuyển công văn xử phạt vi phạm hành chính giao về UBND tỉnh tiếp tục các công đoạn tiếp theo đã gây xôn xao không ít trong giới kinh doanh năng lượng. Vấn đề chú ý ở chỗ những lỗi vi phạm của các nhà máy điện mặt trời này đều giống nhau đến ngỡ ngàng. Đó là lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện, năng lực tham gia hoạt động thi công xây dựng; lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện, năng lực tham gia hoạt động, giám sát thi công xây dựng; khởi công xây dựng công trình thiếu thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình đã được phê duyệt; đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định… Hay đơn giản hơn như vi phạm là không gửi báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ở đây là Cục Điện lực) hoặc gửi báo cáo không đầy đủ tên, địa chỉ liên lạc, tên công trình, địa điểm xây dựng, quy mô xây dựng, tiến độ thi công dự kiến sau khi khởi công xây dựng theo quy định.
Những lỗi vi phạm mang tính phổ biến ở các nhà máy điện mặt trời trên khiến người ta nhớ đến chặng chạy đua xây dựng nhà máy điện mặt trời của các chủ đầu tư để được hưởng giá mua điện ưu đãi trong 20 năm của Nhà nước với yêu cầu phải hòa lưới điện trước 30/6/2019. Thật sự, có rất nhiều trang trại điện mặt trời xuất hiện chớp nhoáng tại tỉnh, chỉ trong vòng 6 tháng hoặc dài hơn là khoảng 1 năm. Chính Bộ Công Thương cũng khẳng định, do thời gian thực hiện khuyến khích và đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời rất ngắn nên bộ chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ, chấn chỉnh kịp thời. Và việc đoàn kiểm tra từ tháng 3/2022 đến giờ, không chỉ Bình Thuận mà nhiều tỉnh, thành khác cũng có vi phạm tương tự. Tương tự ấy với những lỗi phổ biến trên cũng không có gì lạ, nhất là lúc ấy cầu cao hơn cung và cả tình huống toàn quốc có quá ít hoặc chưa có đơn vị nào đủ năng lực thi công hoặc giám sát lĩnh vực điện mặt trời vốn mới mẻ.
Chủ một nhà máy điện mặt trời ở Tuy Phong bị phạt vi phạm hành chính chia sẻ chân thành rằng thời điểm ấy, công ty đi tìm kiếm đơn vị giám sát nhưng thông tin nhận được là lĩnh vực điện mặt trời quá mới nên chưa có đơn vị nào đạt chuẩn. Sau công ty chọn đơn vị có năng lực tốt bên giám sát thủy điện nên mới đây bị phạt vi phạm, dù đến giờ, đơn vị này đã bảo đảm năng lực giám sát bên điện mặt trời.
2. Trong thời hạn 3 tháng tới, các công ty kinh doanh điện mặt trời bị xử phạt hành chính theo Nghị định 16/CP phải có biện pháp khắc phục. Nếu không đầy đủ thủ tục thì sẽ bị tạm không thanh toán tiền điện. Với điện mặt trời áp mái vốn cũng phải chạy đua đầu tư để hưởng giá ưu đãi trong thời gian rất ngắn cũng rơi vào cảnh tương tự, khi ngày cuối năm 2021, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đã có công văn yêu cầu các công ty điện lực thành viên bổ sung hồ sơ theo quy định của cơ quan nhà nước về điện mặt trời mái nhà. Nếu không, đề xuất dừng mua điện. Trước đó, qua kiểm tra điện mặt trời áp mái, nhất là các hệ thống được lắp trên mái của công trình, dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 thì tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định… Mấy tháng qua, Điện lực Bình Thuận đã triển khai đến các chi nhánh về việc bổ sung hồ sơ pháp lý theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về điện mặt trời mái nhà, phổ biến là trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy đảm bảo khả năng chữa cháy thiết bị điện tại các vị trí lắp đặt inverter và tủ điện đóng cắt.
Chuyện phải hoàn tất hồ sơ thủ tục đối với các công trình, dự án kinh doanh điện với chế tài sẽ ngưng không thanh toán tiền điện đã tạo nên cuộc chạy đua thứ 2, khiến điện trong mùa nắng đã nóng thì lại càng nóng hơn. Và nếu không đầy đủ thủ tục, nguy cơ xuất hiện rất rõ là sẽ ngưng hoạt động, bất chấp điện có đang bị thiếu hay không.
3. Tháng 4 đã gần qua, tháng mà EVN đã cảnh báo bắt đầu thiếu điện với lý do cuối cùng là thiếu than, nguyên liệu cung ứng cho sản xuất điện. 2 nhà máy nhiệt điện của EVN tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân cũng không ngoại lệ, bắt buộc phải cắt giảm tỷ lệ chạy máy xuống 60 - 70% công suất thiết kế, tức sẽ giảm khoảng 2 tỷ KWh điện trong năm nay so với mọi năm. Việc giảm chạy máy này đặt trong xu thế mà Quy hoạch điện VIII, dù chưa ban hành nhưng đã có kết luận của Chính phủ trong cuộc họp gần đây là thực hiện lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ, đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, được xem là bước đi trong thực hiện cam kết với quốc tế về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường với mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, tình hình trước mắt cho thấy nhiệt điện than với thế mạnh tạo sự ổn định trong phát điện hơn so với các loại điện năng lượng tái tạo khác nên sự thiếu hụt trong phát điện của chính nó đã tạo ra biến cố không ít trong đời sống xã hội. Và tháng 5 sẽ tiếp tục câu chuyện thiếu điện, vì thiếu than theo hướng trầm trọng hơn, trong khi nhu cầu sử dụng điện bước vào mùa cao điểm. Đồng thời, điện gió, điện mặt trời cũng chưa thể có giải pháp trong tích điện để dành, để khống chế những nhược điểm, khi có những ngày, mây che mặt trời, những ngày trời không có gió.
Hơn thế nữa, nếu không khắc phục kịp những yêu cầu đặt ra của các cơ quan quản lý nhà nước, nguy cơ các nhà máy điện mặt trời, các hệ thống điện mặt trời áp mái nhà sẽ ngừng hoạt động. Đây là thách thức đến từ chủ quan…