BT- Nói đến cao su là nói đến Tánh Linh và Đức Linh và một phần vùng cao Hàm Thuận Bắc bởi 3 huyện này hiện có diện tích cao su lớn nhất tỉnh, trong đó Tánh Linh có khoảng 20.000 ha, Đức Linh 10.000 ha.
Vườn cao su ở Đông Giang - Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Ngọc Lân |
Anh Nguyễn Hùng nhà ở khu phố Lạc Hóa, thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) có gần 10 ha cao su, do nhà không có công nên anh khoán cho người cạo. Anh cho biết, đầu mùa giá mủ được thương lái thu mua 30 - 32 triệu đồng/tấn người dân trồng cao su “bung” vốn đầu tư phân bón và làm vườn. Hầu như 100% diện tích cao su trong vùng được “mở miệng” để lấy mủ. Không như những năm trước đầu mùa giá thấp nên nhiều vườn cao su bỏ hoang vì nếu đầu tư sẽ không có lãi. Còn với người dân làm ít họ tự cố gắng chăm vườn để cạo xem như lấy công làm lãi… Mủ cao su dao động từ 39 - 40 triệu đồng/tấn gần 3 tháng nay được nhiều người đánh giá là “đỉnh” bởi cả chục năm nay, mủ cao su đầu mùa mới có giá cao như thế. Vào mùa cạo mủ, cao su có giá cao nên các vườn đầu tư mạnh để khai thác. Điều này đồng nghĩa với người nông dân có thêm cơ hội việc làm trong thời gian khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19.
Còn anh Nguyễn Vọng làm nghề cạo mủ thuê gần 15 năm nay tâm sự: “Tôi nhận cạo và trút mủ thuê cho bà con trong vùng, giá công cạo mủ hiện nay là 350 đồng/cây, nếu chịu khó từ đêm đi cạo mủ và buổi sáng đi lấy cũng được 1.000 – 1.500 cây, tiền công cũng được từ 400.000 – 500.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập không phải nhỏ vì bình thường ngày công đã cao hơn các nghề khác như gặt lúa hay thợ xây, đặc biệt vào giữa tâm đại dịch nhiều người bị nghỉ việc, trong khi cao su tăng giá nên công việc cạo mủ duy trì thường xuyên tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi, vì mấy đứa con vốn làm công nhân ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh bị thất nghiệp phải về nhà bố mẹ trú ẩn và…“ăn ké”.
Cứu cánh trong dịch bệnh
Toàn tỉnh hiện có khoảng 45.000 ha cao su, trong đó gần 2/3 diện tích cho thu hoạch, bình quân lượng mủ từ 14 – 15 tạ/ha, có nơi thổ nhưỡng tốt và được chăm sóc đúng quy trình thì thu 18 tạ/ha. Trong tỉnh có khoảng 10 cơ sở lớn, nhỏ mua và sơ chế mủ cao su, hầu hết tập trung ở Tánh Linh và Đức Linh, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận là “đầu tàu” vừa sản xuất vừa thu mua và chế biến xuất khẩu.
Anh Nguyễn Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận cho hay: Đầu mùa giá cao su 30 - 32 triệu đồng/tấn nhưng sau đó chỉ nửa tháng giá lên 39 - 40 triệu đồng/ tấn và giữ nguyên cho đến nay đã 3 tháng. Công ty cao su hiện có 4.300 ha cao su với 1.200 công nhân, những năm trước giá mủ cao su xuống thấp đời sống công nhân gặp không ít khó khăn nên nhiều người đã rời công ty để làm riêng. Năm nay giá mủ cao nên lương công nhân cũng tăng đáng kể. Từ đầu vụ đến nay, công ty đã chế biến và xuất khẩu trên 2.000 tấn mủ, đạt gần 40% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đây chỉ là đầu vụ còn thời điểm chính vụ nằm từ tháng 9 đến tháng 11 nên công ty đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch.
Nói về giá mủ cao su hiện nay, theo anh Thanh thì “đỉnh” cũng được vì nhiều năm nay chưa có năm nào giá cao và giữ được nhiều tháng như năm nay. Nhưng nói chưa “đỉnh” thì cũng phải bởi hơn chục năm trước có lúc mủ cao su đã nằm trên 100 triệu đồng/tấn. Lý giải về việc cao su giữ giá cao so với nhiều năm trước, anh Thanh cho hay do nhu cầu thị trường các nước nhập hàng mủ tăng cao. Mặt khác một số nước Đông Nam Á có nhiều diện tích cao su do dịch Covid – 19 hoành hành nặng hơn Việt Nam nên lượng mủ sản xuất ít. Vì vậy, bên cạnh giá mủ tăng cao, việc xuất khẩu mủ trong thời gian qua cũng thuận lợi hơn các năm trước.
Mủ cao su tăng và giữ giá được khá lâu nên nhiều người trồng cao su gọi thời điểm này là “thời gian vàng” của cây cao su. Tuy nhiên, việc giá mủ cao su có tiếp tục giữ được hay giảm trong thời gian tới là vấn đề khó đoán trước bởi hầu hết mủ cao su sau sơ chế đều phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, ở thời điểm dịch bệnh này, cây cao su đang là “cứu cánh” cho hàng ngàn hộ trồng cao su trong tỉnh.
Trần Thi