Theo dõi trên

Nỗ lực bảo vệ rừng đặc dụng

08/03/2023, 05:32

Rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Núi Ông không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có vai trò điều hòa khí hậu, đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển kinh tế trong vùng. Song, để làm tốt bảo vệ rừng là thách thức không nhỏ đối với ngành chức năng, địa phương liên quan, bởi rừng nơi đây tiếp giáp với nhiều khu dân cư và có cả tuyến đường sông…

Rừng Núi Ông là rừng đặc dụng, có đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Với diện tích hơn 24.300 ha trải dài trên 2 huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam, đây là một trong những khu vực ưu tiên số một trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn, bởi có nhiều kiểu thảm thực vật quan trọng, bao gồm rừng nhiệt đới thường xanh trên đất thấp, rừng nhiệt đới nguyên sinh rụng lá trên đất thấp, rừng lùn trên núi cao… Chính vì tầm quan trọng đó, những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Khu BTTN Núi Ông được các ngành chức năng, mà trực tiếp lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Khu BTTN Núi Ông chủ động triển khai bằng nhiều biện pháp, hiệu quả ngày càng được nâng lên.

z4161680622804_52181dd9310debe318cfa5f694d6145e.jpg
Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam trong 1 lần kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại Khu BTTN Núi Ông

Theo Ban Quản lý Khu BTTN Núi Ông, vào mùa khô, cây rừng, đặc biệt là tre, nứa, lồ ô sẽ rụng lá, điều này tạo nguồn vật liệu cháy lớn. Qua thống kê, tổng diện tích rừng có nguy cơ dễ cháy của khu bảo tồn khoảng 4.000 ha. Trên thực tế, từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm là thời điểm thường xảy ra các vụ cháy rừng. Trong khi đó, phía tây của khu bảo tồn tiếp giáp với nhiều khu dân cư; điều kiện thổ nhưỡng nơi đây còn thích hợp cho cây cao su, điều và các loài cây nông sản phát triển, do đó công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, ngăn chặn việc người ra vào trái phép khu bảo tồn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh, tỉnh lộ 720 và quốc lộ 55 đi xuyên qua khu bảo tồn cũng tạo áp lực trong việc ngăn chặn hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

z4161632395251_4d14d86801e93ec659b3c76a5bddaafb(1).jpg
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xác minh hiện trạng rừng ngoài thực địa. 

Khó khăn là vậy, song với nỗ lực và trách nhiệm được giao, công tác bảo vệ rừng ở Khu BTTN Núi Ông thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các hành vi vi phạm về Luật Lâm nghiệp đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Được biết, từ năm 2022 đến nay, rừng Núi Ông không xảy ra cháy. Trong năm 2022, qua tuần tra, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Khu BTTN Núi Ông đã phát hiện, lập hồ sơ đưa vào xử lý 8 vụ vi phạm. Trong đó, có 3 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích 1.460 m2; 1 vụ lấn chiếm đất rừng diện tích 360m2; 2 vụ khai thác rừng trái phép, 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép và 1 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Tang vật, phương tiện tịch thu gồm 4 chiếc xe máy, 1,239 m3 gỗ tròn thông thường và một số tang vật liên quan. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 12 vụ việc vi phạm nhưng không đủ điều kiện đưa vào xử lý, trong đó có 2 vụ phá rừng, 8 vụ khai thác rừng và 2 vụ lấn chiếm đất rừng.

Hiện nay, đang là cao điểm mùa khô. Vì vậy rừng Núi Ông vẫn đang đối diện với nguy cơ xảy ra cháy. Do đó, Ban Quản lý Khu BTTN Núi Ông, đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung triển khai phương án, kế hoạch công tác quản lý bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với phương châm bảo vệ rừng tại gốc. Tăng cường lực lượng kiểm tra chốt chặn những khu vực, các đường mòn thường xuyên xảy ra phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng và hành vi săn bắt động vật rừng trái phép… để không xảy ra điểm nóng về phá rừng, cháy rừng trên lâm phần.

LÊ PHÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong: Phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô
Hiện nay đang là thời điểm mùa khô, nên việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành lâm nghiệp và các địa phương trong tỉnh. Riêng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lê Hồng Phong thuộc huyện Bắc Bình, có diện tích rừng tiếp giáp với nương rẫy của người dân với trên 10.000 ha, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Vì vậy, việc chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được đặt lên hàng đầu.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực bảo vệ rừng đặc dụng