Các xã nghèo trên địa bàn Bình Thuận cần được hỗ trợ thiết thực để hướng tới giảm nghèo bền vững. |
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào đầu năm nay, Bình Thuận có Tân Thắng là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được đầu tư theo Chương trình 30a (hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững). Như vậy trong giai đoạn 2017 - 2020, xã Tân Thắng của huyện Hàm Tân sẽ được hỗ trợ hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu cũng như duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng cơ sở đã đầu tư xây dựng trên địa bàn. Bên cạnh đó người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đang sinh sống tại xã Tân Thắng được quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững cho xã Tân Thắng còn tính đến việc hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Cũng trong giai đoạn 2017 - 2020, Bình Thuận có 9 xã và 20 thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư từ Chương trình 135 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế các địa bàn này tiếp tục được hỗ trợ hoàn thiện, duy tu bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, hệ thống điện - nước phục vụ sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra đối tượng là người lao động nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn xã - thôn đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, dịch vụ hay xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm… Thời gian tới, địa phương cũng tập trung nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở tại các xã - thôn đặc biệt khó khăn về quy trình, kỹ năng tổ chức chương trình hay những vấn đề khác trong thực hiện giảm nghèo.
Theo kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh xây dựng, đối tượng là các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 trên địa bàn Bình Thuận cũng được quan tâm hỗ trợ. Bao gồm hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình nhằm thúc đẩy hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có hiệu quả, hỗ trợ học nghề gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt thế mạnh của địa phương. Hoặc tạo sự chuyển biến nhanh về thu nhập lẫn đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng… Cùng với đó sẽ duy trì thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, hỗ trợ xây dựng nhà ở, miễn giảm học phí hay hỗ trợ chi phí học tập. Đặc biệt với một số xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 20%) như Măng Tố, Suối Kiết (Tánh Linh) thì được đưa vào chương trình hỗ trợ đầu tư theo quyết định của UBND tỉnh.
Được biết, nhu cầu kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2020 trên địa bàn Bình Thuận theo kế hoạch này dự kiến lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy ngoài đa dạng nguồn vốn huy động, địa phương sẽ lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác và đẩy mạnh xã hội hóa để tập trung mọi nguồn lực triển khai đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững…
Đ.QUỐC