Nỗi buồn suối Đó
Ngồi thẫn thờ bên bờ suối Đó, anh Hồ Bốn buồn buồn kể: 40 năm gia đình tôi đã có ba thế hệ sống ở làng này, sống bên dòng suối này. Từng lớp tuổi thơ đã được tắm gội và lớn lên nhờ dòng suối Đó. 40 năm tôi chưa bao giờ thấy dòng suối này cạn, nói chi suối khô chết.
Suối Đó trước đây mùa khô nước vẫn đầy ăm ắp, ngay tại chân cầu sát quốc lộ 55, ông Hồ Chỉnh - cha của anh Hồ Bốn, một nông dân của làng Phước Bình, nay là khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi, vào khoảng đầu thập niên 70 đã dùng tre làm cái xe gió, lấy nước tưới cho mấy sào ruộng hai bên bờ suối, công trình thủy lợi tự tạo đầu tiên trên dòng suối Đó. Đến năm 1989, dân làng Phước Bình đề xuất và đóng góp để cùng với ngành thủy lợi Hàm Tân xây dựng đập suối Đó, rồi đào kênh dẫn nước về tưới tận cánh đồng Tân Thiện, La Gi. Không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mùa khô khi sông Dinh cạn, đập Đá Dựng khô nước, suối Đó lại chia dòng mang nước về nhà máy phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Đập bây giờ vẫn còn đó, dòng kênh dẫn nước vẫn còn đó, có điều con suối đã chết, đã khô rồi.
Với người dân Phước Bình, dòng suối Đó đã dưỡng nuôi họ suốt mấy chục năm qua. Ai đã từng sống trong cảnh không giếng, không nước máy, mới thấy dòng nước suối nó quý giá đến nhường nào. Từ tắm gội, uống, ăn... dân làng đều nhờ vào dòng suối. Rồi con tôm, con cá... giúp bữa ăn người dân bớt đi phần đạm bạc. Ngay cả viên sạn, hạt cát, suối cũng vắt lòng hiến dâng. Vậy mà…! Tiếng thở dài của các anh nghe sao não nùng quá! Suối khô đồng nghĩa đời sống của bà con dựa vào con suối cũng khô theo. Nhiều ruộng lúa, ruộng màu hai bên suối bỏ hoang. Chị Hòa nhà gần suối Đó, ôm mớ rơm khô nhìn chúng tôi cười như méo: “không có nước tưới cỏ, bò đói rã rời, 3 con bò nhà em bây giờ lấy lạt tre xâu còn kịp”. Nghe chị nói ai cũng cười, nhưng cười buồn, cười ra nước mắt.
Hạ nguồn suối Đó bị khô kiệt đồng nghĩa đập tràn Suối Đó cũng không còn tác dụng, một tuyến kênh dài mấy km không còn nước để tải, điều này gây thiệt hại không nhỏ đối với bà con nông dân Tân An, Tân Thiện trong sản xuất lúa. Cái may mắn là 2 năm nay sông Dinh mùa khô vẫn còn nước do đập Sông Dinh 3 xả về nên nhà máy nước mới có nước bơm phục vụ nhân dân. Chứ như mấy năm trước khi sông Dinh cạn, hồ Núi Đất cạn, thì suối Đó chính là một trong những dòng nước cứu sinh cho người La Gi.
Mùa khô là vậy, còn mùa mưa, dòng suối trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi rất khó chịu, dưới lòng suối phủ đầy chất cặn bã. Muốn qua suối để làm đồng, làm rẫy, nông dân phải mang ủng, không ai dám bỏ chân không xuống dòng nước đen này. Anh Lê Lục ngụ tại khu phố 8, Tân An rất bức xúc trước tình trạng môi trường suối bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng, anh cho biết: “Đã mấy năm rồi, cứ đến mùa mưa là các trại chăn nuôi ở đầu nguồn thuộc huyện Hàm Tân tranh nhau xả chất thải ra suối. Dòng suối từ trong xanh chuyển qua đen ngòm, cá tôm chết hết sạch. Dân kêu nhưng chẳng thấy ai can ngăn, xử lý để bảo vệ dòng suối!”
Những thảm họa hủy diệt môi trường
Đầu tiên là nạn hút cát. Không biết lệnh cấm hút cát trên sông Dinh được chính quyền các cấp thực hiện đến mức độ nào, chứ trên thực tế nạn hút cát trộm trên suối Đó và sông Dinh vẫn lén lút diễn ra.
Cùng với việc hút cát là nạn chích điện. Từ sáng sớm dọc theo khúc sông dài chưa đầy 400m hàng chục máy chích điện thi nhau rà chích ở mọi ngõ ngách. Cá, tôm lớn nhỏ đều không thoát khỏi dòng điện. Ở những chỗ nước sâu, người ta dùng loại bình chích đã được cải tiến có công suất lớn, lặn xuống rà chích trong từng hốc đá. Người này vừa chích xong, người khác mang bình đến chích lại. Cứ thế ngày qua ngày sông Dinh co mình vì điện giật.
Còn một kỹ nghệ diệt môi trường nhanh hơn điện, tai hại hơn điện là dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đổ thẳng xuống sông để sút cá. Chỉ cần ít thuốc pha trộn theo công thức trút xuống sông, tôm càng xanh lớn nhỏ đều bị mù mắt trôi dạt vào bờ. Chỉ cần thế, người ta đi dọc bờ sông để bắt tôm, câu, lưới chi mệt mỏi, rườm rà.
Nhìn lại giá trị dòng sông, con suối
Suối Đó, sông Dinh là huyết mạch của huyện Hàm Tân và thị xã La Gi, nó gánh trọng trách cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nước tưới cho ruộng đồng. Nó còn tạo nên cảng biển La Gi với hàng ngàn tàu bè công suất lớn vào ra thường nhật. Không chỉ thế, ở đôi bờ sông Dinh, suối Đó, triền đất phù sa màu mỡ này đã giúp một phần cuộc sống nông dân ổn định nhờ vào rau xanh, cây trái. Dưới lòng sông, tài nguyên cát xây dựng người ta hút lên bán mỗi năm mang lại lợi tức hàng tỷ đồng. Về mặt môi trường, sông Dinh như hai lá phổi điều hòa nhịp thở cho Hàm Tân và La Gi. Cá, tôm, chim chóc tồn tại được cũng nhờ vào dòng sông này. Về cảnh quang, sông Dinh đoạn chảy qua La Gi, nhất là khúc sông từ giáp Tân Xuân đến đập Đá Dựng có dáng vẻ rất đẹp. Vào những ngày lễ, tết người dân địa phương thường chọn đoạn sông này để vui chơi dã ngoại.
Giá trị của dòng sông là vậy nên không thể lấy bất cứ thứ gì để so sánh, đánh đổi. Thế nhưng hiện nay do sự buông lỏng quản lý, con người đang làm mọi cách giết chết dòng sông, con suối.
NGÔ VĂN TUẤN