Theo dõi trên

Nơi khách hàng gửi niềm tin

21/02/2024, 05:43

Không chỉ thực hiện cho vay “tam nông”, nông nghiệp công nghệ cao, Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận còn cho vay phát triển công nghiệp, du lịch nhằm giúp khách hàng có đủ nguồn lực tài chính đầu tư dài hạn, bền vững, cùng tỉnh nhà tăng tốc phát triển kinh tế. Để hiểu rõ vấn đề, phóng viên Báo Bình Thuận đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Câu – Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận...

Thưa ông, năm 2023 là năm khó khăn của ngành ngân hàng, với Agribank thì sao?

Ông Nguyễn Hữu Câu: Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, xuất nhập khẩu, may mặc, nhiên liệu... Các chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ bị ảnh hưởng đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế nói chung cũng như của ngành Ngân hàng nói riêng.

screenshot_1708469124.png

Trước tình hình đó, bám sát định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Agribank đã thực hiện chính sách tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, ưu tiên đầu tư tăng trưởng tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay các lĩnh vực ưu tiên… Cùng với đó là thực hiện các giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất như: giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng hấp dẫn, chủ động cơ cấu thời hạn trả nợ… Theo đó Agribank Bình Thuận đã giảm 12 lần lãi suất huy động, 8 lần giảm lãi suất cho vay. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay tại chi nhánh đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm.

Trong năm 2023, Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo đúng tinh thần của Nghị định 31/NĐ-CP với tổng quy mô nguồn vốn hỗ trợ lên tới 652 tỷ đồng. Tiến hành triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng theo với tổng dư nợ gốc cơ cấu là 2.590 tỷ đồng, lãi cơ cấu 103 tỷ đồng. Miễn giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro (XLRR) trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 cho 63 khách hàng.

Không để đứt mạch sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn của doanh nghiệp và người dân, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank Bình Thuận đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến các cá nhân và doanh nghiệp như chương trình đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu; chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay tiêu dùng dành cho CBCNV ngành y tế; chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước…

Bên cạnh đó, Agribank Bình Thuận luôn làm tròn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Tính đến cuối tháng 12/2023, Agribank Bình Thuận đã tài trợ 1.348 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội như: tài trợ cho hoạt động y tế 76 triệu đồng; hoạt động giáo dục 422 triệu đồng; xây nhà cho hộ nghèo 453 triệu đồng; ủng hộ người nghèo ăn tết 250 triệu đồng; công tác khác 147 triệu đồng.

Năm 2024, Agribank có rất nhiều gói cho vay tiêu dùng nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen rất được người dân mong chờ, ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Câu: Để hạn chế tình trạng tín dụng đen, Agribank đã và đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp không những đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng, mà còn là một giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, vay nóng, trả góp với lãi suất cao trên thị trường... Ngay những ngày đầu năm 2024, Agribank triển khai các chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng cá nhân tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn 10.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình. Thời gian tới Agribank sẽ chủ động ban hành các sản phẩm cho vay cụ thể, phát hành đa dạng các sản phẩm thẻ tín dụng đối với khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống, đặc biệt là các sản phẩm cho vay trực tuyến, ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Agribank, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay dễ dàng nhanh chóng, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mảng tiêu dùng cá nhân như: Mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu (ti vi, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa...); phương tiện đi lại (ô tô, xe máy) và các mục đích tiêu dùng khác theo quy định hiện hành của Agribank.

Bên cạnh đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ, tiếp tục triển khai tích cực các chương trình tín dụng để đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay cấp bách chính đáng trong sinh hoạt của người dân và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Du lịch Bình Thuận đã có bước đột phá trong năm 2023, dự kiến năm 2024 sẽ giữ được nền tảng phát triển thu hút du khách, Agribank tham gia vào chương trình phát triển 3 trụ cột kinh tế, trong đó có du lịch được xác định là "mũi nhọn" như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Câu: Là 1 địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh… Nền kinh tế Bình Thuận đã, đang và sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - hướng tới mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp - du lịch - nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trong bối cảnh đó, Agribank Bình Thuận tham gia phát triển vào “mũi nhọn” du lịch của tỉnh nhà gồm: Về mảng tín dụng, Agribank Bình Thuận sẽ cho vay đối với những dự án đầu tư lĩnh vực du lịch có tính khả thi, hiệu quả cao, đáp ứng đầy đủ các quy định và quy chế cho vay của Agribank và các quy định pháp luật. Về mảng sản phẩm dịch vụ, nằm trong chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh Bình Thuận nhằm thu hút du khách đến tham quan, thưởng lãm…Nằm trong đề án phát triển thẻ, phát triển mạng lưới máy giao dịch tự động CDM cũng như các giao dịch qua ngân hàng điện tử trên khắp cả nước, cụ thể: Máy CDM Autobank, dịch vụ Agribank e-mobile banking, dịch vụ ngân hàng điện tử internet banking, thanh toán không tiếp xúc (contactless) bằng cách vẫy, chạm nhẹ lên máy POS để thanh toán, là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang được nhiều người sử dụng, bên cạnh hình thức quẹt thẻ nội địa, thẻ quốc tế và thanh toán bằng mã QR thông qua các thiết bị di động. Hình thức này được đón nhận không chỉ bởi sự phong cách, tiện lợi mà còn thể hiện đặc tính an toàn cao như: tốc độ xử lý thông tin giao dịch nhanh hơn. Khả năng lưu trữ thông tin lớn gấp 13 lần giúp ngân hàng có thể tích hợp nhiều ứng dụng tiện ích cho khách hàng trong cùng một chiếc thẻ; tăng tính bảo mật trong quá trình sử dụng, và hạn chế tối đa nguy cơ bị tội phạm công nghệ tấn công (skimming), hạn chế làm thẻ giả khi không phải xuất trình thẻ cho người bán hàng, không bị lộ thông tin in trên thẻ, không bị lộ số PIN…

Xin cảm ơn ông!

TRẦN THI ( THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xe khách giường nằm cháy rụi trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Khoảng 5h35 sáng nay (19/2), xảy ra vụ cháy xe khách trên cao tốc đoạn qua huyện Hàm Thuận Bắc.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi khách hàng gửi niềm tin