Theo dõi trên

Nỗi khổ người già khi làm căn cước công dân

14/04/2021, 14:20

BT- Với quan niệm ở tuổi “gần đất xa trời” nên nhiều cụ ông, cụ bà ngại đi làm thẻ căn cước công dân (CCCD), nhất là những cụ bị trả hồ sơ làm thẻ do không hợp lệ. Ngành chức năng cần quan tâm hơn đến các cụ.

Ngại đi làm thẻ

Khi triển khai làm thẻ CCCD mới thấy nhiều bất cập trong quản lý hộ tịch trước đây. Rất nhiều trường hợp đi làm thẻ không thể làm được, bị trả về bổ sung cho hợp lệ. Những trường hợp ấy thường là hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh (gọi chung là giấy tờ tùy thân) không có ngày, tháng sinh hoặc không trùng khớp tên, ngày, tháng sinh; không có giấy khai sinh... Trong đó, phần nhiều rơi vào những cụ ông, cụ bà sức khỏe yếu, đi lại khó khăn.

Ví dụ như trường hợp của cụ bà Nguyễn Thị An, 83 tuổi ở phường Thanh Hải – TP. Phan Thiết. Cụ nhờ con chở đi làm thẻ CCCD, khi công an kiểm tra giấy tờ tùy thân mang theo thì phát hiện không có ngày, tháng sinh nên yêu cầu bà về địa phương làm lại giấy khai sinh. Bà không muốn làm nhưng các con bà thuyết phục rằng phải làm, vìcccd liên quan đến nhiều thứ như BHYT, chế độ chính sách người cao tuổi, mua vé tàu xe...Tương tự, ông Huỳnh Trẻ, 81 tuổi ở phường Phú Hài –TP.Phan Thiết, ngoài không có ngày, tháng sinh, tên trong giấy tờ tùy thân cũng không trùng khớp (hộ khẩu tên Huỳnh Trẻ, CMND là Huỳnh Văn Trẻ). Ông phải bắt xe ôm đi tới đi lui chỉnh sửa nhiều lần do ông bà không có con cái. Hơn nữa, tuổi già hay quên, hướng dẫn một đường làm một nẻo, làm xong cái này lại quên cái kia như quên chụp ảnh...

Ông Huê – Khu phố trưởng khu phố 11, phường Phú Thủy chia sẻ, với những cụ đi làm thẻ CCCD không vướng gì thì không sao, còn những cụ bị công an trả hồ sơ về yêu cầu làm lại giấy khai sinh thì thấy ngại đi làm.  

Phải làm vì quyền lợi

Theo Luật Căn cước công dân, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nó được thay thế cho nhiều loại giấy tờ khác như: hộ khẩu, khai sinh, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn, bảo hiểm. Do đó, bắt buộc người dân phải làm vì đây là quyền lợi chính đáng của bản thân, không làm đồng nghĩa với việc tự cắt quyền lợi. Người cao tuổi cần phải làm vì liên quan đến chế độ chính sách của người cao tuổi, BHYT...

Thời gian qua, kể từ khi bắt đầu triển khai làm thẻ CCCD, ngành chức năng, nhất là công an đã nỗ lực làm thẻ đáp ứng nhu cầu người dân. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị vướng, không thể làm được do thiếu thông tin. Theo yêu cầu, giấy tờ tùy thân mang đi làm thẻ CCCD phải khớp nhau, có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh, nếu thiếu thông tin thì không thể làm được vì khi nhập vào hệ thống dữ liệu sẽ bị từ chối cấp.

Với quy định ấy bắt buộc công dân phải về địa phương xin trích lục hộ khẩu để lấy thông tin. Trong trường hợp trích lục không có thì yêu cầu địa phương cấp giấy xác nhận, đem về nơi cần được cấp...Ông Võ Hoài Vũ – Chủ tịch UBND phường Phú Hài cho biết: “Lý lịch nhân thân của mỗi cá nhân phải làm kỹ vì có liên quan đến nhiều thứ như quyền thừa kế, chuyển nhượng đất đai... Theo đó, để làm giấy khai sinh, yêu cầu công dân về nơi ở hoặc nơi sinh ra để xác minh lại. Trường hợp không xác minh được thì chụp hình mộ ông bà, giấy tờ tùy thân của anh em trong gia đình, hoặc con cái. Đối với các cụ, chúng tôi tạo mọi điều kiện hết sức có thể để không mất thời gian đi lại nhiều lần. Với những cụ không có đầy đủ thông tin theo yêu cầu, chúng tôi phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi cấp.

Dù khó khăn, nhưng đây là quy định chung, các cụ cũng như người dân tranh thủ đi làm thẻ để thuận lợi cho việc giao dịch dân sự sau này. Ngành chức năng cần đặc biệt quan tâm đến những người cao tuổi vì họ đi lại rất khó khăn do sức khỏe.

    
    Phó   Trưởng phòng Tư pháp thị xã La Gi Nguyễn Thị Cẩm Nhung cho biết: Ở La Gi   khi tiếp nhận trường hợp thiếu ngày, tháng sinh, cán bộ hộ tịch sẽ lục   tìm trong sổ bộ. Nếu có tên và ngày, tháng sinh thì căn cứ vào đó làm   giấy khai sinh cấp cho công dân, trong trường hợp không tìm ra hoặc   không có tên trong sổ bộ thì hướng dẫn đến công an...

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi khổ người già khi làm căn cước công dân