Theo dõi trên

Nỗi lo đầu ra cho hải sản

20/07/2021, 07:56

BT- Trong bối cảnh tiêu thụ hải sản gặp khó do dịch Covid-19, nhiều cơ sở thu mua hải sản tại Bình Thuận đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra để duy trì sản xuất, cũng như góp phần tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân.

Công nhân bốc dỡ hải sản từ tàu cá tại cảng Phan Thiết.

Vừa cập thuyền vào cảng Phan Thiết để bán hơn 1 tấn cá cơm, ngư dân Lê Văn Phụng (phường Đức Long) lại tranh thủ bốc dỡ nhu yếu phẩm, bơm dầu… chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Anh Phụng cho biết, dù giá dầu mấy ngày qua đã điều chỉnh tăng, làm phát sinh thêm chi phí ra khơi, nhưng bù lại sản lượng đánh bắt đạt nên anh và các bạn thuyền vẫn cố gắng bám biển. Dù dịch Covid-19 khiến giá cá có giảm đôi chút nhưng cơ bản khâu thu mua không bị ách tắc.

Theo đại diện Cảng cá Phan Thiết, sản lượng hải sản khai thác đầu vụ nam chưa rộ, tuy nhiên nhiều loại cá nổi áp lộng giúp một số thuyền hành nghề như rê nổi, vây, câu, lặn, kéo… đánh bắt đạt năng suất. Cũng theo đơn vị này, hiện hoạt động thu mua tại cảng diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nên tình hình tiêu thụ đang có phần chậm lại. “Do hiện nay các địa phương tăng cường kiểm soát phương tiện vì vậy mà lượng hàng xuất đi khó khăn hơn trước. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường để đảm bảo tiêu thụ hải sản cho bà con. Ông Nguyễn Hoài Tiến, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết cho biết.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Bích Thanh, một trong những cơ sở thu mua hải sản lớn nhất tại Phan Thiết cho biết, từ khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, nhiều chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Do 70% hải sản tiêu thụ của công ty này dồn về TP. Hồ Chí Minh, thế nên khi nơi đây bùng phát dịch Covid-19 thì hoạt động sản xuất gặp khó. Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng hiện đơn vị này vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động thu mua cho ngư dân.

 Ông Thanh cho biết thêm, đối với ngành nghề thu mua, ký gửi hải sản thì chi phí để duy trì, xoay vòng là rất lớn. Tuy vậy, hiện tại công ty vẫn đang cho mở kho lạnh để nhập trữ hàng, đồng thời xúc tiến tìm các thị trường tiêu thụ chưa bị ảnh hưởng của dịch.

Hiện tại, lo lắng lớn nhất của ngư dân lẫn các doanh nghiệp thu mua hải sản đó là vụ cá nam bước vào cao điểm đúng với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Dự kiến, lượng hải sản đánh bắt được sẽ nhiều hơn trong những ngày tới. Trong khi đó, theo các chủ vựa, chi phí thu mua, ký gửi mặt hàng này rất lớn và sức chứa các kho lạnh cũng có giới hạn. Theo đề xuất của một số doanh nghiệp thu mua hải sản tại Bình Thuận, cần có cơ chế để mặt hàng hải sản tiếp cận tốt hơn với thị trường TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch hiện nay. Trong đó, có ý kiến đề xuất việc phân luồng nhập hàng về thành phố sao cho đảm bảo nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch, vừa có thể tiêu thụ hải sản một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chủ động tìm kênh phân phối mới, hỗ trợ tối đa cho việc tiêu thụ mặt hàng hải sản.

Hạnh Khiết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đảo An Bang chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi
Hải trình đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa, tôi có dịp cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc tết đảo An Bang. An Bang được ví như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo đầu ra cho hải sản