Cư dân sống trên lãnh thổ nhỏ bé Guam của Mỹ ngày càng lo lắng về cuộc khẩu chiến đang leo thang giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, về lời đe dọa của Triều Tiên sẽ phóng hàng loạt tên lửa tầm xa về phía hòn đảo này.
Nhưng mặt khác họ dâng trào tinh thần ái quốc và tự tin vào sức mạnh che chở của quân đội Mỹ.
Máy bay B-1B Lancer (trái) lăn bánh qua oanh tạc cơ chiến lược B-52 tại sân bay Andersen trên đảo Guam. Ảnh: AP. |
Hôm 10/8, khi người dân Guam tỉnh dậy, họ nhận được lời cảnh báo mới từ Triều Tiên – quân đội nước này đang cố gắng hoàn tất kế hoạch tấn công vùng biển sát đảo Guam vào giữa tháng 8. Một ngày trước đó Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ tạo một lưới lửa vây quanh đảo Guam.
Giống nhiều lãnh thổ khác của Mỹ, Guam đôi lúc có mối quan hệ căng thẳng với đại lục Mỹ. Mặc dầu vậy, nhiều người sống trên hòn đảo này nói rằng bất chấp các mối bất an, họ vẫn cảm thấy mình được quân đội Mỹ che chở, nhất là trong những thời khắc căng thẳng và đối đầu địa chính trị.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ trên đảo gồm Căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam. Tại 2 căn cứ này có 7.000 lính Mỹ đồn trú.
Virgie Matson, 51 tuổi, một cư dân ở Dededo, ngôi làng đông dân nhất của Guam, nói: “Tôi cảm thấy rằng sự hiện diện của quân đội ở Guam sẽ giúp chúng tôi rất nhiều. Họ ở đây để bảo vệ đảo, ngay khi có điều gì không hay xảy ra”.
Khu chợ của ngôi làng Chamorro ở Hagatna, Guam vào ngày 9/8/2017. Ảnh: AP. |
Khả năng về một cuộc đối đầu hạt nhân vẫn được xem là xa vời nhưng căng thẳng thực sự leo thang trong khu vực trong vài ngày gần đây.
Trong một diễn biến mới nhất, tướng Kim Rak Gyom – tư lệnh lực lượng tên lửa của Triều Tiên, tuyên bố quân đội nước này đang lên kế hoạch để bắn 4 quả tên lửa tầm xa tới sát đảo 30-40km.
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên đe dọa đảo Guam – một tiền đồn trọng yếu chiến lược của các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.
Với vị trí của Guam, các máy bay trực thăng và ném bom ở đây chỉ mất vài giờ là có thể triển khai tới các điểm nóng ở tây Thái Bình Dương. Guam cũng là nơi trú ngụ của các tàu ngầm hạt nhân dùng để trinh sát tình báo trong khu vực.
Cả người ông và anh trai của cư dân Gus Aflague, 60 tuổi, đều gia nhập hải quân Mỹ. Aflague nói: “Tôi ủng hộ việc tăng cường lực lượng quân sự ở đây. Tôi cảm thấy an toàn nhờ có sự hiện diện của không quân và hải quân Mỹ tại đây”.
Mặc dù vậy một số người dân Guam bất mãn với việc không được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, dù rằng người Guam phục vụ trong tất cả cuộc chiến lớn của Mỹ kể từ Thế chiến 2.
Cư dân Isaac Camacho, 19 tuổi, nói rằng cậu cảm thấy phía đại lục Mỹ hơi có chút hiểu lầm. “Họ cho rằng chúng tôi không phải là công dân Mỹ đích thực, dù chúng tôi có nhiều người bản địa gia nhập quân đội Mỹ và hy sinh vì đất nước này”.
Hồi tháng 8/2016, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã cảnh báo rằng tất cả các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương, bao gồm Guam, sẽ “đối mặt với cuộc tấn công tổng lực” của quân đội Triều Tiên.
Hồi năm 2013, truyền thông Triều Tiên trích dẫn lời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh cho quân đội chuẩn bị tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, Hawaiii và Hàn Quốc cũng như đại lục Mỹ.
Trung Hiếu/VOV