Theo dõi trên

Nỗi niềm bên sông La Ngà

06/09/2019, 14:11

 BT- “…Tôi và nhiều người khác mong được đền bù sớm, mong công trình sớm hoàn thành để khắc chế hạn hán, lũ lụt”- suy nghĩ rất thật của ông Lâm khiến tôi không ngạc nhiên nữa về câu chuyện chỉ có nơi này, dân mới muốn đền bù sớm.

                
Ông Lê Văn Lâm qua sông La Ngà.

  Chuyện kể lúc qua sông

Đã khoảng nửa tháng sau những ngày lũ sông La Ngà lên nhanh chớp nhoáng, gây ngập ven bờ hơn 1 m nước, tôi vẫn còn cảm nhận cảnh vật xung quanh xơ xác như lũ vừa rút hôm qua. Cánh đồng ven sông thuộc xã La Ngâu vẫn đang xanh nhưng là màu xanh nhờ nhợ của cây trồng sau nhiều ngày ngập nước. Những ruộng khổ qua xơ xác lá, trái lủng lẳng khắp nơi nhưng hình như người trồng không buồn thu hoạch. Mấy vạt ớt, trái chín đỏ rải rác đang bị bỏ mặc. Vài thửa ruộng chỉ còn trơ tấm bạt theo luống, sót lại vài dây dưa hấu chơ vơ như chứng minh nếu không có trận lụt này, bây giờ nơi đây đã xanh bạt ngàn. Đó là hình ảnh của dải đất ven sông gần đường đi. Còn vùng gần mé sông thì cứ rung rinh theo bước chân người đi như chực chờ sạt lở theo con nước. Sông La Ngà mùa này thật dữ. Nước đục ngầu cuồn cuộn chảy khiến chiếc xuồng thô sơ của ông Lê Văn Lâm cứ chòng chành, dù trên xuồng chỉ có 3 người. Đứa con ông Lâm phải thay cây chèo có bè lớn để dễ quạt nước đi. Từ bờ bên này qua bờ bên kia áng chừng 100 m nhưng vì nước chảy xiết nên xuồng nhích chậm rãi, ông Lâm kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Rằng nhà ở Đồng Kho nhưng có rẫy bên kia sông thuộc xã La Ngâu nên hàng ngày, ông Lâm qua lại con sông này như cơm bữa. Và đã 30 năm như thế, ông cũng ngấp nghé tuổi 75 nên thân thuộc, nắm biết đặc tính con sông này cứ như bạn tri kỉ. Nhưng bây giờ, ông cười ồ rằng 2 năm nay không còn là bạn tri kỉ nữa, vì lũ cứ bất ngờ về trên sông, trở tay không kịp. Như hôm ngày 6 - 8/8 vừa rồi, mưa lớn như thác đổ, kéo dài chỉ 2 ngày thì lũ dựng ngược lên. Sông La Ngà bỗng rộng mênh mông. Bên kia bờ, nước tràn qua đồi bãi, tiến sát đến chân núi khiến ông phải lôi hết dê, ngỗng, gà, vịt lên chuồng. Bên này bờ, nước tràn ra đến đường nhựa. Những ruộng rau quả dân trồng ven sông đều ngập nặng. Những ngày nước rút dần, nhiều người thuê đất sản xuất mất 20 - 30 triệu đồng/năm ra nhìn ruộng rồi lắc đầu đi về. Bỏ mặc cho tới giờ. Hình ảnh này khiến ông nhớ năm trước, lũ về rất sớm. Nhưng lũ về trong mùa còn ương nắng, tức khoảng tháng 6 - 7 gì đó, có bất ngờ nhưng không gây thiệt hại nhiều như năm nay.

Xuồng đã ra quá giữa sông. Nước sông La Ngà cuồn cuộn như nồi nước đang sôi. Gần cập bờ bên kia nhưng hình như đoạn sông này sâu bất thường khiến tôi có cảm giác rờn rợn. Chợt nhớ đoạn sông này vào năm ngoái cũng nóng bỏng chuyện khai thác cát trái phép. Vừa yên thì thủy thần lại nổi sóng. Phải chăng vì thay đổi địa hình mà dòng chảy hung hãn hơn? Tôi nghe giọng ông Lâm loáng thoáng rằng những ngày nước rút, ông về nhà Đồng Kho thì nghe bà con hoảng hốt la như có đê vỡ. Không phải đê vỡ nhưng định thần lại thì nghe kênh chính Nam Tà Pao bị vỡ, đồng ruộng hư hại gần hết. Mấy ngày sau, ông nghe nhiều người nói cơ quan chức năng đã tìm được nguyên nhân vì sao. Trước hết, kênh chính Nam Tà Pao vừa thi công xong. Các đơn vị thi công gói thầu trên kênh này phát dọn cây cối 2 bên để chuẩn bị bàn giao nhưng lại không vận chuyển đổ tập trung mà để nguyên dưới lòng kênh. Rồi nước về bất ngờ, các cống tiêu ngầm không thoát kịp, lại bị cây cối, rác rến cản dòng chảy, gây quá tải làm bể tuyến kênh nhiều đoạn bên trái lẫn bên phải, chỗ thì 4 m, chỗ thì 6m.

Không còn muốn qua sông

Xuồng cập bờ. Trước mắt tôi là vườn chuối xanh ngát. Toàn chuối tơ mới trồng có lẽ được vài tháng, vì chưa hình thành nhóm, cụm vốn dĩ của loại cây trồng này. “Không thể bỏ đất trống mãi được, tiếc lắm nên nhà trồng đỡ, thu hoạch được gì thì thu. Khi Nhà nước thu hồi đất thì trả. Đất này đã đền bù từ 6 năm trước nhưng lại không thu hồi. Còn đất này chưa đền bù” - ông Lâm đứng chỉ tay trên từng khoảnh đất giới thiệu với tôi. Với vóc dáng không có gì gọi là khỏe nhưng nhìn “cơ ngơi” vườn, ao chuồng của ông, bỗng nhớ câu: “Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Đây là ao, rộng dễ chừng đến 5 sào, ông nói rằng không bỏ sức đào đâu, là tận dụng vùng trũng đưa nước sông vào, cá theo nước vào theo thôi. Bên cạnh là chuồng nuôi dê, nuôi gà, vịt, ngỗng. Vườn thì trồng điều, trồng chuối là chính. Những rẫy bên cũng thế, hình như phải qua sông, chung trong tình cảnh sẽ rời đi nên hầu như đều lựa chọn cách đầu tư nào gọn gàng nhất. Vì tất cả đều nằm trong vùng ngập của hệ thống thủy lợi Tà Pao khi hoàn thành.

Công trình này vốn chưa hoàn thành nhưng khi nghe tên cứ như đã xếp vào miền ký ức. Vì từ khi có dự án đến khi khởi công đã mất khoảng chục năm. Sau khi công trình đầu mối đập dâng Tà Pao hình thành đến nay tính ra cũng đã ngót nghét chục năm nữa nhưng đến giờ vẫn chưa xong. Vì vậy, khi tôi đưa chuyện đền bù cho các hộ dân có đất nằm trong vùng ngập của công trình, ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tánh Linh cũng lúng túng với bao chuyện đang ngổn ngang. Nào là diện tích đất thu hồi mới chỉ hơn 755 ha/1.129,92 ha, có một số hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù. Nào là khu tái định cư La Ngâu đã thi công cơ bản giai đoạn 1 với san lấp mặt bằng, phân lô chi tiết, hệ thống đường, vỉa hè, cây xanh, hệ thống điện, nước sinh hoạt, đã bố trí 11/41 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tái định cư… Vướng nhiều nhất là đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện tại cao rất nhiều so với thời điểm phê duyệt dự án, 2010. Vì liên quan đến chuyện hỗ trợ 5 lần rồi 2,5 lần. Vì liên quan đến chi phí tăng cho xây dựng hạ tầng cơ sở khu tái định cư, định canh La Ngâu… Do đó, phải điều chỉnh tăng kinh phí dự án lên thêm 273.150 triệu đồng. Trong bối cảnh khó khăn kinh phí này, với dự án kéo dài từ năm 2010 đến nay, thế là vướng, thế là chậm. 

Với sự bất thường của dòng chảy sông La Ngà, vì vừa chịu quyết định lượng nước xả của thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, vừa chịu ảnh hưởng mưa thất thường của biến đổi khí hậu khiến cánh đồng ven con sông này luôn trong cảnh chập chờn của mất mùa. Đó là lý do vì sao nhiều người dân ở các xã như La Ngâu, Đức Bình... có đất nằm trong vùng ngập bỗng sốt ruột muốn được đền bù sớm.

“Những năm trước, mùa mưa ở đây cứ rả rích như Quảng Trị quê tôi, suốt mười ngày nửa tháng hoặc có khi cả tháng mưa dầm, lũ sông La Ngà mới lên. Lúc lũ lên, người dân đoán biết. Vì thế, ở Tánh Linh, Đức Linh mới tính toán sản xuất lách lũ. Nhưng 2 năm nay thì thôi, không ai đoán biết được. Tôi và nhiều người khác mong được đền bù sớm, mong công trình sớm hoàn thành để khắc chế hạn hán, lũ lụt. Tôi cũng già rồi, không phải qua sông nữa…”- suy nghĩ rất thật của ông Lâm khiến tôi không ngạc nhiên nữa về câu chuyện chỉ có nơi này, dân mới muốn đền bù sớm.

Ghi chép: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi niềm bên sông La Ngà