Cơ sở xác định trụ cột…
Có thể khẳng định, trong những năm qua việc triển khai thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên; đã bám sát chỉ đạo của Trung ương để cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi. Cơ cấu ngành nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai và đạt kết quả bước đầu. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng; hệ số sử dụng đất lúa tiếp tục tăng, những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn. Cây thanh long trở thành sản phẩm lợi thế có sự tăng trưởng nhanh về diện tích, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Diện tích cao su giảm nhưng sản lượng tăng. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngành chăn nuôi dần chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Tỉnh thu hút nhiều dự án lớn về trồng cỏ, chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao, dự án nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình VAC trang trại. Ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng, tăng độ che phủ của rừng; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp được tăng cường. Ngành thủy sản giữ ổn định, gắn với chế biến, tạo ra giá trị gia tăng. Hoạt động khai thác hải sản xa bờ có chuyển biến tích cực, theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản; đội tàu công suất lớn của tỉnh tiếp tục gia tăng về số lượng, công suất, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, có đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm. Công tác tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản theo hình thức tổ đội sản xuất tiếp tục được quan tâm. Các chính sách đối với ngư dân khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện tốt. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài được đẩy mạnh. Hoạt động nuôi trồng thủy sản từng bước chuyển sang thâm canh, quy mô công nghiệp, đa dạng hóa loài nuôi. Tiếp tục phát huy sản phẩm lợi thế tôm giống Bình Thuận. Nghề nuôi tôm thịt và sản xuất tôm giống đã hình thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao...
Khẳng định là trụ cột...
Để đạt được kết quả trên, Tỉnh ủy đã ban hành hàng loạt nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Đặc biệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đưa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ, giải pháp toàn ngành là tiếp tục khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách của Nhà nước về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và huy động các nguồn lực của tỉnh để đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch; vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi nhỏ, phấn đấu đến năm 2025 đảm bảo chủ động nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Khuyến khích trồng rừng sản xuất với các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với tái tạo, phát triển các loại cây bản địa. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp; tiếp tục hoàn thiện việc rà soát, đánh giá tổng thể rừng, theo dõi giám sát, cập nhật hiện trạng, diễn biến tài nguyên rừng; nâng cao chất lượng độ che phủ của rừng; huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng. Xây dựng vùng nguyên liệu gỗ; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Phát triển toàn diện khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến tạo giá trị gia tăng cao. Phát huy hiệu quả khai thác xa bờ, sắp xếp cơ cấu thuyền nghề, củng cố và phát triển các mô hình tổ đội khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau khai thác. Triển khai các biện pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái vùng ven bờ, hải đảo. Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi hải sản trên biển gắn với chế biến, tạo giá trị gia tăng cao. Giữ vững uy tín, chất lượng, thương hiệu tôm giống Bình Thuận song song với phát triển vùng sản xuất tôm giống tập trung, ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, đạt mục tiêu đề ra, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống khu vực nông thôn, miền núi, bãi ngang ven biển và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Bảo Tín