Theo dõi trên

Nông nghiệp Bình Thuận thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

10/10/2024, 05:13

Việc ứng dụng chuyển đổi số giúp nông sản đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm...

Hướng canh tác lúa bền vững

Thực tế hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đang phải đối mặt trực tiếp với các tác động của khí hậu cực đoan. Vì vậy, chúng ta phải tham gia hành động để cắt giảm phát thải khí nhà kính theo chủ trương Việt Nam Netzero. Sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận, trong đó có sản xuất lúa gạo cũng cần góp phần giảm tỷ lệ phát thải carbon bằng hướng canh tác lúa bền vững.

c0092t01.jpg
Hướng dẫn nông quy trình sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải (ảnh N. Lân).

Để thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập trung tập huấn, tuyên truyền và xây dựng các mô hình khuyến nông chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo. Điển hình như các mô hình canh tác lúa bền vững SRP (mô hình sản xuất mới dựa trên nền sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”) tích hợp nhiều tiến bộ mới. Song song, ứng dụng chuyển đổi số khâu ghi chép nhật ký điện tử cho người trồng lúa, giúp nông dân minh bạch hóa quá trình sản xuất, thông qua hệ thống tem nhãn, xây dựng thương hiệu xanh và tạo sức cạnh tranh sản phẩm. Đơn cử trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP và tập huấn áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc với 95 lớp, mỗi lớp 30 người tại 5 huyện trồng lúa trọng điểm trong tỉnh.

c0036t01.jpg
Bình Thuận triển khai mô hình cánh đồng “không dấu chân” (ảnh N. Lân).

Cùng với đó, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương - cánh đồng “không dấu chân” với quy mô 160 ha; xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao như Đài thơm 8, ST25, Bắc Thịnh… với quy mô hơn 50 ha. Đáng chú ý, tất cả hơn 200 ha sản xuất lúa được triển khai đồng bộ tại các huyện có diện tích trồng lúa trọng điểm của tỉnh như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Theo đó, lúa được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật đưa ra, có áp dụng biện pháp “1 phải, 5 giảm”. Cụ thể, nông dân cần sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng mà ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo đưa vào sản xuất; giảm lượng hạt giống gieo trồng, sạ hàng từ 80 – 120 kg/ha; giảm phân bón; giảm lượng nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch…

d329d8a75297f4c9ad86.jpg
Nông dân Bình Thuận sử dụng APP NÔNG NGHIỆP SỐ BÌNH THUẬN trong sản xuất thanh long (ảnh K.H).

Chuyển đổi số là phương thức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp

Một trong những điểm nổi bật hiện nay trong chuyển đổi số của ngành nông nghiệp tỉnh, đó là APP NÔNG NGHIỆP SỐ BÌNH THUẬN trở thành phương thức quan trọng giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Theo đó, tất cả các mô hình lúa triển khai năm 2024 đã được ứng dụng ghi chép nhật ký điện tử, từ đó minh bạch hóa quá trình sản xuất, có thể truy xuất nguồn gốc lúa gạo sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu xanh. Vì vậy, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh là tất yếu.

b27b80c16acbd3958ada(1).jpg
7d089fce8dc4349a6dd5(1).jpg
Nông dân Bình Thuận sử dụng APP NÔNG NGHIỆP SỐ BÌNH THUẬN trong sản xuất thanh long (ảnh K.H).

Theo ông Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, yêu cầu hiện nay đòi hỏi người dân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ. Qua đó, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao không chỉ đối với chất lượng sản phẩm, mà còn cả về mẫu mã và các tiêu chuẩn về môi trường. Để sản xuất lúa đáp ứng nhu cầu hội nhập, xuất khẩu, chúng tôi hướng đến ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Cụ thể, sản xuất lúa đang thực hiện là “1 phải, 6 giảm” gắn chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm lúa gạo Bình Thuận. Cũng theo ông Sơn, ngoài “5 giảm” để tăng chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế thì giảm thứ 6 là “giảm phát thải”. Qua đó, hướng đến đề án mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đang thực hiện tại Đồng bằng Sông Cửu Long (Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải). Tỉnh Bình Thuận dù không nằm trong đề án, nhưng luôn tiên phong ứng dụng, áp dụng cái mới để theo kịp xu thế phát triển chung.

Ngoài áp dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trên cây lúa, vừa qua ngành nông nghiệp Bình Thuận đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc dấu chân carbon cho một số hợp tác xã, các trang trại và vùng sản xuất thanh long. Từ đó, giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế có thể quét mã QR một cách minh bạch để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và mức độ thực hành xanh hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng trong quá trình sản xuất thanh long. Việc dán nhãn xanh làm cho thanh long Bình Thuận nổi bật về môi trường và lợi thế cạnh tranh. Nhãn xanh là chứng nhận đại diện cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về môi trường, thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và an toàn thực phẩm. Để làm được nhãn xanh đó, hoạt động khuyến nông đã ứng dụng chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, đồng bộ.

Mặc dù quá trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận còn gặp khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng và đồng hành của cả hệ thống chính trị, các địa phương… nông dân Bình Thuận đã và đang thay đổi tư duy, thay đổi cách làm hướng đến tạo ra được sản phẩm thích ứng cho các phân khúc của thị trường khác nhau. Không chỉ vấn đề canh tác lúa hay thanh long, mà tất cả các hoạt động tạo ra nông sản cần phải áp dụng các quy trình và sử dụng yếu tố đầu vào hợp lý như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để không phá hủy hệ sinh thái và đa tầng sinh học. Qua đó, hướng đến chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong nông nghiệp của tỉnh.

Theo Kế hoạch số 4517/KH-UBND ngày 20/11/2023 của UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao 17.745 ha, năng suất trên 60 tạ/ha, trong đó khoảng 50% diện tích liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 - 15% so với sản xuất thông thường.

KIỀU HẰNG – CÔNG BÁ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Bình Thuận
Sáng nay (14/3) tại TP. Phan Thiết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã long trọng tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Bình Thuận (1993 – 2023). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng tham dự có đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố; nguyên lãnh đạo ngành khuyến nông tỉnh qua các thời kỳ, đại diện các hợp tác xã và nông dân tiêu biểu của tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp Bình Thuận thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh