Theo dõi trên

Nông nghiệp công nghệ cao - xung lực mới cho phát triển

30/03/2017, 08:22

 BT- Từ trước đến nay, nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, đến thời điểm này ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức là năng suất, sản lượng của các nông sản chủ lực đã tới hạn, cùng với đó là yêu cầu cấp bách về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu thiếu kiểm soát, công nghệ sau thu hoạch yếu kém nên sản phẩm chất lượng thấp. Do vậy, Việt Nam đã ở vào tình thế buộc phải đầu tư sâu rộng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để giải quyết những khó khăn trên.

Nhận thức được vấn đề, thời gian qua ở nhiều địa phương đã chú trọng vào phát triển NNCNC. Đó là một nền nông  nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Hiện nay, cả nước có hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại tỉnh Hậu Giang và Phú Yên. Các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa và Lâm Đồng thuộc quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đã có 25 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp &PTNT công nhận là doanh nghiệp ứng dụng CNC. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước và đến nay vẫn là mô hình thành công nhất, với việc xây dựng được 4 trung tâm trực thuộc; 14 đơn vị được cấp phép ở nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất hạt giống, sản xuất phân bón vi sinh, sản xuất và chế biến sản phẩm từ nấm, công nghệ xử lý sau thu hoạch. Còn Lâm Đồng cũng được đánh giá là tỉnh đi đầu của cả nước về áp dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, với diện tích canh tác áp dụng CNC đạt 49.000 ha, chiếm 17% tổng diện tích và là tỉnh có nhiều doanh nghiệp, nông dân áp dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp nhất cả nước.

Nông nghiệp CNC ở Bình Thuận tuy chưa định hình rõ nét, nhưng một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã từng bước nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế như trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP; chăn nuôi an toàn sinh học ở Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân; mô hình sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu trên lúa tại huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình; sản xuất giống và nấm linh chi thương phẩm; sản xuất rượu, nước giải khát từ trái thanh long…Tuy nhiên, có thể thấy là các mô hình này chỉ ở mức độ hạn hẹp, chưa được nhân rộng phát triển ra nhiều vùng, nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện, hiệu quả đưa lại cũng chỉ trong một giới hạn nhất định. Sản xuất NNCNC của tỉnh chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng giá trị sản phẩm của ngành.

 Năm 2017 được cho là năm của NNCNC, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm NNCNC. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nâng gói tín dụng cho NNCNC từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và sẽ đề nghị Quốc hội sửa Luật Đất đai 2013 theo hướng mở rộng hạn điền - tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành phải nghiên cứu hướng vào NNCNC để sửa đổi chính sách, trong tháng 3/2017 phải chỉnh sửa xong Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo các điều kiện để phát triển NNCNC. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ.

Được biết, hiện nay tại tỉnh ta cùng với việc quy hoạch triển khai xây dựng 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Hàm Minh (giống cây trồng) và Chí Công (giống thủy sản), một số doanh nghiệp có năng lực tài chính lớn như Công ty TNHH Thông Thuận đang triển khai xây dựng trung tâm lai tạo bò giống thịt và khu nuôi bò sữa CNC với số lượng ban đầu khoảng 5.000 con nhập từ nước ngoài về và xúc tiến đầu tư nhà máy chế biến sữa tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình; Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Mạo Hiểm cũng đang có hướng đầu tư khu NNCNC Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình. Đây là những bước khởi đầu để Bình Thuận tiếp tục xây dựng phát triển những khu NNCNC tiếp theo.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, không chạy theo số lượng, mà phải chú trọng chất lượng, NNCNC chính là “đội đặc nhiệm” để đưa đến thành công. Để Bình Thuận có nền NNCNC, trước mắt là các khu ứng dụng NNCNC, tỉnh cần có chính sách ưu đãi đầu tư, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

LÊ VĂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp công nghệ cao - xung lực mới cho phát triển