Trong tuần lễ nông sản, Sơn La trưng bày, giới thiệu với người tiêu dùng Hà Nội 7 mặt hàng nông sản tiêu biểu, đồng thời là thế mạnh của các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Mường La, Thuận Châu… thuộc tỉnh.
Đó là nhãn, mãng cầu ta, bơ sáp (loại 1), hồng giòn, chuối, thanh long ruột đỏ… đã được chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý… trong đó có giống nhãn Sông Mã cùi dày, vỏ mỏng… ngọt thanh.
Trước hoạt động này của Sơn La, tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên cũng đã có những hoạt động xúc tiến quảng bá vãi thiều Lục Ngạn, Cam Bố Hạ, nhãn lồng Hưng Yên tại Khu đô thị Ecopark Văn Giang, thông qua các hình thức như: “Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hưng Yên; Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2018; Hội nghị Xúc tiến thương mại nhãn và các sản phẩm nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2018; Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 tại Hà Nội; Phiên chợ Nhãn lồng …”
… Từ hoạt động trên của các tỉnh, cho ta cái nhìn về phát triển, mở rộng các vùng cây ăn trái có thế mạnh của Bình Thuận, mà “nhãn xuồng cơm vàng” của xã Thắng Hải và “sầu riêng Đa Mi” là hai ví dụ. Trong vài năm gần đây, “nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải“ và “sầu riêng Đa Mi” “ được người tiêu dùng các tỉnh phía Nam ưa chuộng. Hiện nay, giá nhãn xuồng tại chợ La Gi là 55 ngàn đồng/kg, trong khi đó thương nhân mua tại nơi trồng không quá 30 ngàn đồng/kg. Rõ ràng người trồng nhãn bị thua thiệt. Vì vậy, nếu xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân và huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn…, nhân mùa nhãn chín, mùa sầu riêng chín, tổ chức xúc tiến tiêu thụ nhãn, sầu riêng tại Phan Thiết, cũng như một số huyện, thị có dân đông là đều nên làm. Ông bà ta nói: “Hữu xạ tự nhiên hương” là trong điều kiện mà sự cạnh tranh trên thương trường chưa khốc liệt, sản xuất còn nặng về tự cung tự cấp. Ngày nay để nhiều người biết đến sản phẩm của một địa phương nào đó, người ta đều thông qua kênh quảng bá.
P.V