Theo dõi trên

Nông thôn mới Hàm Thuận Nam: Nông nghiệp phong phú từ tiềm năng đa dạng

18/11/2022, 05:24

Như làng nghề nuôi sò lông này lại càng đặc biệt, vì không mang tính cha truyền con nối mà mới nảy sinh từ vài năm trước từ ý tưởng của ngư dân trong bối cảnh biển đang cạn kiệt hải sản.

Từ bị trộm… biển

Sau khi phát hiện một số thuyền ở nơi khác tới vùng biển đang quản lý, đánh bắt sò lông bằng giã cào điện, Hội cộng đồng Sò lông xã Thuận Quý, đã báo lực lượng chức năng. Kết quả, sau vài ngày “nằm vùng”, tàu kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã bắt tại trận, phạt vi phạm 36 thuyền, thu hồi ngư lưới cụ của 8 thuyền vào tháng 9 rồi. Đây không phải lần đầu vùng biển trong phạm vi quản lý của 3 Hội cộng đồng ngư dân thuộc các xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận bị tàu ở các nơi khác đến bắt trộm… sò lông mà mấy năm trước cũng có xảy ra. Nhưng lúc ấy, ai cũng nghĩ do biển mênh mông, do ngư dân chưa biết. Còn hiện tại, vùng biển này đã được thả 23 phao đánh dấu, với tổng kinh phí khoảng 1.300 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm và nguồn đối ứng từ ngân sách huyện. Điều đó thêm khẳng định mô hình trên thành công. Với nguồn lợi hải sản chung được hồi phục, chứ không chỉ có sò lông sinh sôi đã khiến thuyền các nơi khác bất chấp đến… trộm. Qua đó, cũng cho thấy cuộc sống ở 3 xã đang xây dựng nông thôn mới nằm ven biển này giàu tài nguyên và có tiềm năng triển vọng đến thế nào, ít nhất trên lĩnh vực được giao mặt nước để tái tạo, quản lý nguồn lợi thủy sản. Các ngư dân ở 3 xã chủ động được trong khai thác biển và có thu nhập ổn định.

th-nl-3-.jpg

Chính mô hình quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi biển này đã giúp các xã ven biển của huyện Hàm Thuận Nam bảo đảm được một tiểu tiêu chí của tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất. Đó là làng nghề, như xã Thuận Quý xác định đạt tiểu tiêu chí 13.4, khi đã có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề nuôi Sò lông thuộc Hội cộng đồng Sò lông xã Thuận Quý theo Quyết định số 2093/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong bối cảnh nhiều xã gầy dựng được HTX nhưng khó có thể có được làng nghề. Thế nên, làng nghề trở nên đặc biệt và như làng nghề nuôi sò lông này lại càng đặc biệt, vì không mang tính cha truyền con nối mà mới nảy sinh từ vài năm trước từ ý tưởng của ngư dân trong bối cảnh biển đang cạn kiệt hải sản.

Đa dạng và đặc trưng

Đó là dưới biển, còn trên bờ, huyện Hàm Thuận Nam có tiềm năng không kém phần đa dạng. Thực hiện các chỉ tiêu theo phụ lục Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 7/1/2022 của UBND tỉnh về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, UBND huyện đã phối hợp với các sở, ngành và đơn vị tư vấn khảo sát thực tế, đề xuất xây dựng các nhiệm vụ, dự thảo các đề án, kế hoạch ngành khác nhau. Như Đề án phát triển vùng cây dược liệu đến năm 2030, từ nhiều năm trước đã có công ty xin chủ trương đầu tư dự án trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện nhưng vì nhiều lý do chưa thể triển khai. Và đến nay, được xới lại bằng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, với diện 200m2 tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Kapet và Bảo tồn Tà Cú.

Hay với Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030, Hàm Thuận Nam đã gầy dựng được tiền đề trong mấy năm qua. Đó là trong hơn 14.000 ha thanh long, trong năm 2022 đã có 211.63 ha/200 ha kế hoạch đã cấp mới, còn tái cấp được gần 5.000 ha. Bên cạnh còn có 452 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và cả 100 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tập trung chủ yếu ở các trang trại. Ngoài ra, trên địa bàn có 140 cơ sở, doanh nghiệp với 167 kho lạnh, có sức chứa 18.731 tấn thanh long cùng hệ thống dây chuyền rửa trái để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và 5 cơ sở chế biến từ trái thanh long. Hiện toàn huyện có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 5 sản phẩm được đánh giá hạng 3 sao; 5 sản phẩm đạt 4 sao.

Trong khi đó, với việc rà soát hạng mục một số dự án, cây trồng, vật nuôi khuyến khích đầu tư đến năm 2025, hiện ở Hàm Thuận Nam đã hình thành và phát triển các con nuôi với các chủng loại giống bản địa như heo đen, heo rừng lai, gà ta thả vườn và một số giống chất lượng cao như: Heo ngoại (Landrace, Yorshire, Duroc…), bò (Charolaise), các giống gà siêu thịt, siêu trứng, vịt Kaki cambell, Super meat; tôm thẻ chân trắng... Còn giống cây trồng cũng đã hình thành như giống thanh long ruột đỏ, thanh long tím hồng; giống mì M98-5, bắp lai…

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thanh long – Dưa lưới Hàm Cường"
BTO- Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận vừa có văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh, về việc cho phép HTX thanh long Phú Cường sử dụng tên địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thanh long – Dưa lưới Hàm Cường” và xác nhận bản đồ địa lý khu vực xã Hàm Cường để lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Thanh long – Dưa lưới Hàm Cường”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông thôn mới Hàm Thuận Nam: Nông nghiệp phong phú từ tiềm năng đa dạng