Có lẽ ít ai biết rằng có một chàng trai lao động nghèo, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lại Giang hiền hòa thơ mộng, đã từng làm công nhân khuân vác ở bến tàu và hoạt động văn nghệ lúc 10 tuổi, đi du kích lúc 12 tuổi, sau này trở thành cánh chim sáng giá trong ngành múa Việt Nam: Đó là NSND Đặng Hùng. “… Niềm vui sướng của người biên đạo không phải ở số lượng tác phẩm mà là mình đã cống hiến được gì cho ngành múa, sáng tạo được gì cho nghệ thuật. Sáng tạo là vũ khí sắc bén để tiêu diệt cái dừng lại, cái chết, sáng tạo là niềm vui của đời mình…”, anh từng nói như vậy.
Lướt qua những con số dưới đây chúng ta không thể không ngạc nhiên và suy nghĩ về anh: Huân chương lao động hạng I; Huy chương chống Pháp hạng II; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng I; Huy chương vàng quốc tế tại Henxinki; Huy chương vàng quốc tế tại Xofia; Huân chương nghệ thuật Chính phủ Campuchia; Huy chương hữu nghị Chính phủ Lào; 21 giải thưởng Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; giải thưởng Nhà nước về VHNT, giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT; xây dựng và sáng tác cho 59 đơn vị nghệ thuật trên cả nước với tổng số trên 300 tác phẩm múa, trong đó có 46 tác phẩm được tặng huy chương vàng, 35 tác phẩm được tặng huy chương bạc và 1 huy chương vàng kịch hát mới qua các lần hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Năm 1954, anh được trúng tuyển vào Đoàn văn công Liên khu 5; tạm biệt quê hương, cha mẹ lên đường tập kết ra Bắc, tất cả đều mới mẻ, xa lạ với chàng trai quê nghèo ấy; ngoài việc làm diễn viên còn kéo màn thay phông cảnh, anh đã tranh thủ theo học lớp phóng thanh để phục vụ cho đoàn. Năm 1958 học lớp đào tạo diễn viên do chuyên gia Triều Tiên - Chu Huệ Đức dạy. Năm 1960 học lớp biên đạo múa do chuyên gia Triều Tiên - Kim Tế Hoàn dạy. Đối với anh, việc học tập như một khát khao cháy bỏng, học ngày học đêm, học thầy học bạn; và cũng từ lớp biên đạo ấy anh trở thành người sáng tác múa của Đoàn ca múa miền Nam, đánh dấu sự mở đầu bước vào con đường biên đạo.
Năm 1975 thống nhất đất nước, hòa chung niềm vui lịch sử của dân tộc, canh cánh bên anh là sự quyết tâm đem năng lực được tích lũy qua 21 năm ở đất Bắc để phục vụ cho đồng bào miền Nam đầy thương nhớ! “Nghề nghiệp không làm cho con người ta cao quý, chỉ có con người mới có thể làm cho nghề nghiệp cao quý mà thôi” anh từng tâm sự với diễn viên như vậy.
Bộ Văn hóa điều động anh từ Đoàn ca múa miền Nam về Khu 6 và sau đó về Thuận Hải xây dựng Đoàn ca múa kịch nhân dân Thuận Hải. Không dễ mấy ai dám từ bỏ cuộc sống thị thành để đi đến quê người xứ lạ, cũng không mấy ai lấy sự im lặng và bền bỉ đổi lấy tiếng tăm để đến nơi chỉ toàn gió và cát (gia đình anh đang sống ở Sài Gòn; vợ đang dạy tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh; con đang học piano tại Nhạc viện): Vâng! Đặng Hùng đã dám làm như vậy vì tiếng gọi của nghề nghiệp và trách nhiệm phục vụ nhân dân cho dù lệnh điều động về Thuận Hải chỉ có 3 năm mà kéo dài đến 17 năm.
Ở Đoàn ca múa kịch nhân dân Thuận Hải, với vai trò Phó trưởng đoàn - Chỉ đạo nghệ thuật, anh đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, điền dã, sưu tầm chất liệu dân gian các dân tộc trong tỉnh để sáng tạo hơn 30 tác phẩm múa dân gian dân tộc có giá trị, được tặng thưởng nhiều huy chương vàng, huy chương bạc qua các kỳ liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và được đồng bào các dân tộc tỉnh Thuận Hải nhiệt liệt hoan nghênh. Cũng trong quá trình nghiên cứu, NSND Đặng Hùng đã sáng tạo có hệ thống những động tác cơ bản múa dân gian các dân tộc Chăm, Cờho, Raglai… được đồng bào các dân tộc công nhận, xem đó là vốn nghệ thuật dân gian quý báu của họ. Từ đó đến nay, những động tác cơ bản do anh nghiên cứu, được đồng bào các dân tộc Chăm, Cờho, Raglai làm cơ sở để xây dựng các tiết mục múa sinh hoạt cộng đồng tại các Buôn, Plây hoặc tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn quần chúng trong tỉnh.
NSND Đặng Hùng đi vào nghệ thuật múa bằng cả bốn chuyên ngành: Biểu diễn, giảng dạy, nghiên cứu lý luận, sáng tác; chuyên ngành nào anh cũng gặt hái được thành tựu lớn và được đánh giá cao. Nhờ có anh nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy, đào tạo diễn viên mà hàng loạt tác phẩm múa dân gian tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) ra đời như: Đoa pụ, Quạt, Trống Paranưng, Roi, Khát vọng, Ước mơ, Niềm tin, Khúc nhạc rừng, Vui lao động, Những cô gái Raglai… là những tác phẩm múa rất quen thuộc và sáng chói trên sân khấu múa Việt Nam.
Thuận Hải không phải nơi sinh ra anh nhưng phần lớn tác phẩm thành công sau 1975 đều khai sinh từ vùng đất này. Dư luận xôn xao, đồng bào tán thưởng, đồng nghiệp ghi nhận anh bằng những mỹ từ: “Người khơi nguồn nước”, “Người thức tỉnh những pho tượng làng Chăm”, “Người đánh thức những pho tượng Chăm”, “Những điệu múa Chăm bất tử”, “Người chắp cánh cho những tượng đá”… Xin hãy nghe Hội Nghệ sĩ múa Tp. Hồ Chí Minh đánh giá về anh “Đặng Hùng là một trong những khuôn mặt nghệ sĩ lớn của nghệ thuật múa Việt Nam. Anh đã có mặt khi ngành nghệ thuật này bắt đầu hình thành và phát triển”.
Rất nhiều cư dân Thuận Hải kính trọng gọi NSND Đặng Hùng là người góp phần khôi phục lại tinh hoa của nền văn hóa Chăm trong quá khứ qua nghệ thuật múa. Tất cả thành công của Đoàn ca múa kịch nhân dân Thuận Hải trên con đường lao động nghệ thuật đều gắn bó với vai trò người trưởng đoàn - chỉ đạo nghệ thuật của anh: Năm 1985, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng, hai chương trình “Những bông hoa quê hương”, “Biển và tuổi trẻ” do anh đạo diễn đã được tặng thưởng hai huy chương vàng (đây là kỳ tích chưa có đoàn nghệ thuật nào đạt được), 6/8 tiết mục múa do anh biên đạo được huy chương vàng và anh cũng nhận được huy chương vàng giải cá nhân. Múa trống Paranưng, múa quạt của anh được đưa lên vũ trụ phục vụ cho chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân và Gorobatco. Bên cạnh những tác phẩm sáng tác trên cơ sở chất liệu dân gian dân tộc, anh cũng không quên đầu tư sáng tác những tác phẩm đề tài dân tộc Kinh: Chúng em vui, Mùa cá quê hương, Tình biển, Niềm vui thủy thủ, Óng ánh tơ vàng, Được mùa nghêu, Mùa trái chín, Mùa nước nổi…
Cuộc đời ấy là bài học lớn cho những người theo đuổi nghệ thuật nhất là nghệ thuật múa: Từ một công nhân chỉ học đến lớp 4, vậy mà hơn 67 năm lăn lộn với nghệ thuật múa, vừa đào sâu cuốc bẩm vừa gieo hạt vừa gặt hái, chịu khó học hỏi nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác, anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ. Ai có sự lựa chọn đúng đắn với ý thức cao, bản lĩnh mạnh mẽ, dám xông vào những nơi khó khăn ác liệt khô cằn gai góc để tìm ngọc thì người đó càng tích lũy được nhiều cơ may để cống hiến cho xã hội, cho Tổ quốc.
Năm 1992, Thuận Hải chia làm hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, vì tuổi cao nên anh đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin cho về lại Tp. Hồ Chí Minh làm công tác nghiên cứu. Bao nhiêu áp lực tình cảm đã hun đúc 17 năm gắn bó với Đoàn ca múa nhân dân Thuận Hải, với bà con các dân tộc Chăm, Raglai, Cờho, với nhân dân và cán bộ trong tỉnh (anh là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh hai nhiệm kỳ) nhưng đành ra đi để lại đằng sau những gì tốt đẹp nhất. Tuy không gian và thời gian xa cách nhưng anh luôn quan tâm giúp đỡ và theo dõi mỗi bước trưởng thành của Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh để vui, để tự hào và để thỏa nỗi nhớ mong.
Năm 2005, anh về Bình Thuận xây dựng cho Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh tiết mục múa “Vũ điệu gà rừng” của dân tộc Raglai, được tặng thưởng huy chương vàng trong Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Tp. Hồ Chí Minh và Hội nghệ sĩ múa Việt Nam tặng giải A về sáng tác múa.
Tiếp tục đi trên con đường nghệ thuật dân tộc - hiện đại, anh đi sâu vào kho tàng múa truyền thống Khmer Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ. Ôi quý giá làm sao và anh đã bị cuốn hút một cách say sưa và đầy hứng khởi. Chìa khóa mở kho tàng nghệ thuật truyền thống của anh là tình yêu dân tộc, là tình yêu nhân dân. Trong sáng tác anh rất chắt chiu và thận trọng luôn với tinh thần: “Không nên vội ném viên đất vào lửa, biết đâu trong đất có mầm xanh”, không chỉ thế anh còn sẵn sàng phủ định mình để vươn lên những cái mới hợp thời với suy nghĩ: “Những điều mình biết là có hạn và những điều chưa biết là vô hạn”. Có những cuộc hành trình không thể đo lường bằng chiều dài thời gian của khoảng cách mà phải bằng sự nhạy cảm về trí tuệ. Chỉ trong 5 năm anh đã liên tục khai thác, chỉnh lý, cải biên nghệ thuật múa vốn có của đồng bào Khmer và đã sáng tác vũ kịch “Nàng Amara”, vũ kịch “Chol Chnam Thmây”, múa “Hương sen ngày tết”, “Cánh cung nửa vầng trăng”, “Vui mùa thốt nốt”… tất cả đều được tặng huy chương vàng qua các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
Như cánh chim không mỏi, anh tiếp tục đi sâu vào đồng bào Chăm Islam ở An Giang để nghiên cứu và xây dựng múa cho Đoàn Văn công chuyên nghiệp tỉnh An Giang với các tiết mục: “Dệt một niềm tin” (HCV năm 2009), “Chiếc khăn Maom” (HCV năm 2009), “Mùa bông điên điển” (HCB năm 2012), múa Óc Eo “Lễ cầu mệnh” (HCV năm 2016)…
Kể từ khi về hưu, ngoài việc sáng tác, ông còn đi sâu vào nghiên cứu và truyền đạt kinh nghiệm cho các biên đạo, những người quản lý nghệ thuật lớp kế cận. Năm 2020, ông vừa đúc kết tài liệu nghiên cứu có giá trị để xuất bản sách và tham gia giảng dạy về lý luận múa cho một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp...
Vĩnh biệt ông, người biên đạo xuất sắc, người thầy, người anh, người bạn thân thương; vĩnh biệt con người sống hết mình cho nghệ thuật đến giờ phút cuối cùng.