Trước hết, những bài hát về mùa hè gắn nhiều với mái trường. Nhạc sĩ Thanh Sơn có lẽ là một trong số những nhạc sĩ viết nhiều về mùa hè, với mái trường, với hoa phượng, tiếng ve, mà trong số đó, không ít bài được phổ biến rộng. “Nỗi buồn hoa phượng” là một trong những bài hát rất thành công của ông. Lời bài hát đã được nhiều người từng là học sinh thuộc lòng: “Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn/ Cảm thông được nỗi vắng xa người thương/ Màu hoa phượng thắm như máu con tim/ Mỗi lần hè thêm kỷ niệm/ Người xưa biết đâu mà tìm?”.
Cùng trong mạch cảm xúc, tâm trạng u buồn khi rời xa mái trường, xa bạn bè thuở nào cùng cắp sách, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng đã có sáng tác: “Ba tháng tạ từ”. Giai điệu đã khác, song vẫn ấm nồng tình cảm với bạn bè thân yêu: “Thôi nhé, từ đây cách xa trong đời, ân tình theo tháng ngày trôi, nụ cười khô héo trên môi. Mỗi lần thấy phượng nở tim xao xuyến, bạn bè đâu chỉ ta một mình. Nỗi buồn này đành câm nín”. Người nhạc sĩ ấy cũng đã viết trong nhạc phẩm “Lưu bút ngày xanh”: “Có những lần hoàng hôn rớt trên vai/ Bước chân đi lòng nuối tiếc ai hoài/ Nhặt hoa rơi mà không nói nên câu/ Nhớ nhau vì đâu”.
“Hạ buồn”, “Phượng buồn” cũng được nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác, đi từ rung cảm về mái trường, những ngày hè, với giai điệu hoàn toàn khác. Đặc biệt là, những ca khúc ấy, đứng độc lập, vẫn được đông đảo khán thính giả đón nhận, lắng nghe, và cả thể hiện cho bạn bè, người thân mình nghe, say mê, đầy tình cảm.
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo cũng đã đóng góp cho tình khúc về mùa hè bài: “Mùa ve sầu”. Tiếng ve gợi những nỗi buồn khi những người yêu nhau phải lìa xa nhau. Mấy ai hiểu cho họ những nỗi niềm ấy? “Cung đàn nào thương bằng tiếng ve sầu/ Buồn nào hơn khi lứa đôi lìa nhau/ Hè ơi mỗi năm ghi thêm lần nhớ/ Có ai lỡ duyên ban đầu/ Thông cảm được nỗi niềm đau”.
Tác giả Song Ngọc cũng đã có nhạc phẩm “Họp mặt lần cuối”: “Ve kêu gọi hè sang/ Phượng về khơi niềm nhớ/ Giây phút chia tay là đây/ Chép cho ai bài thơ/ Lưu bút thư sinh mình ghi/ Chiếc hình kỷ niệm hôm nay”.
Cũng với hoa phượng, cũng là mùa hè, và tình yêu đẹp đẽ trong sáng của một chàng trai mới lớn, với những ngập ngừng, không khéo trong bày tỏ bằng lời, nhạc phẩm “Phượng hồng”, lời thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng, đã rất nổi tiếng nhiều năm qua, được đông đảo khán thính giả yêu thích. Tình khúc ấy đã được biểu diễn rất nhiều lần ở những sân khấu lớn, đến những sinh hoạt bạn bè. Ca từ trong tình khúc rất đẹp, đầy tính ẩn dụ: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay, thầm lặng mối tình đầu/ …”.
Song, mùa hạ không chỉ có hoa phượng, tiếng ve. Mùa hạ còn có bao điều thú vị khác. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã có một sáng tác về mùa hạ rất vui tươi, đáng yêu. Mọi người khi nghe nhạc phẩm “Vào hạ”, thấy lòng phơi phới, rộn ràng: “Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời/ Đời bọt bèo phù du kiếp người/ Dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười/ Vì đời còn mùa hạ tươi vui/ Và lòng còn nhiều điều muốn nói/… Mùa hạ ơi! Tình phơi phới! Bạn ơi xin hãy vứt hết nỗi buồn, xóa tan đi bao đêm trường/ Bước ung dung trong cuộc đời… Hạ ơi!”.
Nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm đã có bài “Chiều hạ vàng”. Ở đó, một buổi chiều mùa hạ, tác giả nhớ về áng mây trôi, với nắng mơ màng hong những chiếc lá. Ca từ trong bài có đoạn: “Em hát đi ru ngủ giấc chiều nay/ Mây bay bay mơ tiếng ca trên đồi/ Chiều hạ về nhớ áng mây trôi/ Lá trên cây hong con nắng mơ màng”.
Có một sự cảm nhận khác, vẻ đẹp của những ngày hè ở biển, với biển xanh, trời xanh, và ở nơi xa tít tắp, trời nước đã gặp nhau. Ca khúc “Chiều hè trên bãi biển” lời thơ: Song Hoài, nhạc: Hoài Phương, đã có những hình ảnh rất đẹp, với những giai điệu nhẹ nhàng, yên ả: “Một trưa hè trôi êm trôi êm/…/ Biển xanh xanh, trời xanh màu ngọc bích/ Cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau/… Sáng tinh mơ, dấu chân người in cát/ Nắng chói chang về làm rát bỏng bàn chân…”.
Nhạc phẩm “Hạ trắng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một ca khúc được rất đông khán thính giả thuộc nhiều thế hệ yêu thích. Hình ảnh hoa nắng trên mái tóc người con gái, giản dị, đẹp dịu dàng; rồi em cũng đi xa, để lại nỗi chờ mong nơi tâm hồn người nhạc sĩ: “Gọi nắng… Cho tóc em cài loài hoa nắng rơi/ Nắng đưa em về miền cao gió bay/ Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây/ Gọi tên em mãi suốt cơn mê này”.
Và rồi, còn có những cảm nhận khác về mùa hè. Nhạc sĩ Thanh Tùng đã ghi lại những nỗi nhớ, nỗi xốn xang trong tim, khi lòng mơ về hình bóng một người ở một mùa hè trong cuộc đời ông, mà nay đã mờ xa. Tình khúc “Vĩnh biệt mùa hè” có những đoạn: “Mùa hè bâng quơ, bâng quơ nỗi nhớ/ Những chiếc lá non vương trên cành cây khô/ Mùa hè bâng khuâng hoài, để tim xốn xang hoài/ Và lòng ta bỗng như chờ bóng ai… Vĩnh biệt mùa hè/ Mùa hè còn ấm môi hôn ai khi đêm về/ Vĩnh biệt mùa hè/ Mùa hè làm con tim ta biết bao say mê/ …”.
Lướt qua một số ca khúc về mùa hè, để thấy những nhạc sĩ, những nhà thơ đã có những rung cảm khác nhau về mùa hạ. Có những nỗi buồn khi tạm xa mái trường, xa bạn bè thân yêu, xa thầy cô với những kỷ niệm thời cắp sách. Cùng những cung bậc cảm xúc khác, có vui tươi, trong sáng, có sâu lắng, xốn xang.
Bình Thuận có cảnh quan tươi đẹp, với rất nhiều ngày nắng quanh năm. Cùng với biển xanh, cát trắng, nắng vàng là một trong những nét đặc trưng của Bình Thuận, để du khách gần xa muốn tìm về, tận hưởng. Nhạc phẩm “Bình Thuận biển xanh, cát trắng, nắng vàng” của nhạc sĩ Lê Trọng Hà đã có những ca từ rất đẹp, diễn tả thật sắc nét những đặc điểm của quê hương thân yêu của chúng ta: “Mịn màng cát trắng, lung linh biển xanh. Nắng vàng rực rỡ, trái cây ngọt lành. Lắng trong huyền thoại bao điều sâu xa. Nước non Bình Thuận đẹp tươi hiền hòa”.
Và còn bao tình khúc khác nữa có bối cảnh mùa hè, của những nhạc sĩ ở Trung ương và những nhạc sĩ ở Bình Thuận, đem đến những cung bậc cảm xúc khác nhau nơi công chúng yêu âm nhạc.