Nói tới nụ hôn, ai cũng nghĩ đến đôi lứa yêu nhau. Thực ra thì nụ hôn còn để trao cho những người thân yêu trong gia đình. Cha mẹ hôn con. Con cái hôn cha mẹ. Một vòng tay ôm thật chặt, một cái thơm lên má của đứa con sẽ là niềm hạnh phúc to lớn với những ông bố bà mẹ.

Đã bao lâu rồi bạn chưa hôn cha mẹ? Một bạn trẻ đã đặt câu hỏi đó trong bài viết của mình trên facebook. Tôi không quen em ngoài đời thực, chỉ kết bạn trên mạng, thế nhưng đọc câu hỏi em viết tự dưng lại muốn ôm em khóc quá vì đồng cảm cùng em. Chỉ khi bạn biết nghĩ đến cha mẹ thì bạn mới thực sự trưởng thành. Cha mẹ nào cũng vì quá lo lắng cho con mà luôn bắt con phải làm này làm kia. Dĩ nhiên những điều cha mẹ chỉ bảo, khuyên răn là muốn tốt cho con, nhưng điều đó lại làm cho những đứa con cảm thấy mệt mỏi, bị kiểm soát và mong muốn thoát ra khỏi vòng kèm cặp của cha mẹ, được tự do làm theo ý mình.

nu-hon.jpg

Tuổi trẻ mà, cái tôi quá lớn, lòng tự cao quá lớn chưa trải qua thất bại, đau khổ nên cuộc sống đầy màu hồng phía trước. Việc gì cũng “con tự làm được”. Việc gì cũng “cha mẹ biết gì mà nói”. Thế là cha mẹ chỉ biết bất lực nhìn con bay ra khỏi tổ, rồi thì tức giận “kệ cho nó ngã, cho nó đau, cho nó muốn làm gì thì làm không quan tâm nữa”. Con chim non rời tổ, bầu trời bao la phía trước, đẹp thì có đẹp mà biết bao cạm bẫy rình rập, tránh sao khỏi những vấp ngã, tránh sao được thất bại. Những lần thất bại chỉ biết khóc một mình không dám kể cùng cha mẹ, sợ nhất nghe câu “đã nói rồi mà không nghe”. Cố gắng tự đứng dậy, cố gắng làm lại từ đầu chỉ để khẳng định với cha mẹ rằng con đã lớn.

Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn một bên muốn kiểm soát, chở che, còn một bên muốn bung ra, tự do cứ lặp đi lặp lại năm này sang năm khác. Tâm lý của một đứa con bao giờ cũng là sợ phải thừa nhận thất bại trước mặt cha mẹ. Nên cho tới lúc công việc tạm ổn định, có gia đình, có con cái, được lên chức làm cha mẹ thì lúc đó mới ngộ ra, hiểu được tấm lòng cha mẹ mà biết thương cha mẹ nhiều hơn. Nhưng cuộc đời vô thường quá, có người đến khi nhận ra, biết thương cha mẹ thì đã không còn cha mẹ nữa để mà thương. Lúc đó mới ăn năn, tự trách mình vô tâm suốt bao nhiêu năm tháng. Nước mắt theo gió bay vào không trung thành triệu giọt sầu…

Cũng có những đứa con chẳng bao giờ chịu lớn, cứ muốn được cha mẹ mãi chở che. Thất bại là về ôm mẹ khóc. Đau khổ mới tìm đường về nhà. Thế là cha mẹ cứ mãi gánh những phiền muộn, khổ đau cho con. Cứ phải bôn ba làm việc, lo tiền bạc dành dụm gửi cho con để con làm ăn. Rồi những đứa con vô ơn chẳng bao giờ nhìn mái tóc cha đã bạc, gương mặt mẹ đã tóp teo để mà biết thương, cứ lấy tiền ra đi theo ảo vọng làm giàu. Đến khi không còn mẹ cha nữa, mới hụt hẫng nhận ra mất đi chỗ dựa. Có người đến khi cha mẹ mất vẫn chẳng chịu trưởng thành, vẫn chẳng biết thương cha mẹ đã vì con vất vả, xem việc chăm lo cho con cái là trách nhiệm của cha mẹ mà thôi.

Có người nói với tôi cuộc sống là một dòng chảy cha mẹ sinh con cái, con cái lại sinh cháu, cháu lại sinh chắt… cứ vậy tiếp nối nhau. Ai cũng có gia đình nhỏ để lo, ai cũng chỉ chăm chăm lo con cái của mình chứ ít khi nào quay đầu nhìn lại cha mẹ để chăm lo được cho cha mẹ. “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể” là vậy. Lo cái gia đình nhỏ của mình còn chưa xong thì lấy gì để lo cho gia đình lớn được. Nên nhiều khi lực bất tòng tâm, thương cha mẹ lắm nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên chẳng thể lo được cho cha mẹ.

Quả thực cũng có không ít trường hợp như vậy, vì quá nghèo mà chẳng thể chăm lo được cho cha mẹ. Nhưng đó là đúng về mặt vật chất thôi, còn tình cảm thì sao. Cha mẹ đâu cần con mang nhiều tiền về, đâu cần con mua sơn hào hải vị cho ăn, đồ hiệu cho mặc. Cha mẹ chỉ cần con nhớ tới, chỉ cần con quan tâm hỏi han, chỉ cần con về thăm là đã vui vẻ lắm rồi. Một cái ôm, một nụ hôn, một câu nói “con yêu cha/mẹ” là đã khiến cha mẹ hạnh phúc nhiều ngày, nhiều tháng. Vậy thì tại sao chúng ta không thể hiện tình cảm của mình với cha mẹ khi họ còn sống.

Thật ra không phải vì ta không thương cha mẹ, chỉ là vì khoảng cách giữa hai thế hệ quá lớn. Khi còn nhỏ, đứa trẻ nào cũng muốn được cha mẹ ôm hôn, và chúng cũng ôm hôn lại cha mẹ một cách tự nhiên. Nhưng càng lớn, những cái ôm, những nụ hôn càng ngày càng ít đi. Khoảng cách giữa cha mẹ – con cái cứ ngày càng xa ra. Nhất là những khác biệt về cách suy nghĩ, lối sống càng làm cho khoảng cách kia kéo dài thêm. Giữa cha mẹ và con cái bắt đầu e dè lẫn nhau, không còn thân thiết nữa. Nên có bạn trẻ tâm sự rằng thương mẹ nhiều lắm, nhiều khi muốn ôm mẹ chỉ để nói “con yêu mẹ nhiều lắm” mà không dám.

Có lẽ vì lý do này mà người ta đã thành lập ngày quốc tế nụ hôn để nhắc nhớ cha mẹ – con cái hãy bày tỏ tình cảm cho nhau bằng những nụ hôn.

Chạy thật nhanh về nhà, ôm ba/mẹ thật chặt, hôn lên mái tóc màu sương, nói với mẹ rằng “con yêu ba/mẹ rất nhiều”, chắc chắn phép màu sẽ xảy ra!

KHÁNH VY


(0) Bình luận
Bài liên quan

Hơn 200 võ sinh dự giải Võ thuật Cổ truyền Vô địch các lứa tuổi
Chiều 6/7, giải Võ thuật Cổ truyền vô địch các lứa tuổi trẻ tỉnh Bình Thuận năm 2023 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Đào tạo – Huấn luyện và Thi đấu tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nụ hôn