Theo dõi trên

“Nước rút” cho tuyến kênh tiếp nước Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon

06/03/2018, 10:01

BTO - Cuối tháng 2 vừa qua, chúng tôi có dịp đi cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai khảo sát công trình thủy lợi kênh tiếp nước Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam, một trong những công trình đầu mối thiết yếu ở phía Nam tỉnh.

Sau khi rẽ vào ngã ba Tà Mon trên cung đường nhựa không bao xa, đoàn xe đã tiếp cận con đường đất gồ ghề đầy bụi bặm được hình thành từ tuyến đê kênh tiếp nước trong quá trình thi công. Đoạn kênh phía hạ nguồn đang hình thành dần, lộ rõ những lớp đất đá phía dưới; bên trên bờ kênh tạo thành đường đất cát vẫn còn tươi chưa kết dính chặt. Cứ thế con kênh đang vươn mình qua những sườn đồi, nương rẫy, hướng về phía hồ Tân Lập để quyện vào… Tuy nhiên, đường đi chưa thể trơn tru, bằng phẳng. Phía trước đoàn xe đã dừng lại, Chủ tịch tỉnh chỉ tay vào đoạn kênh đang vướng mắc, mặt bằng còn đầy rẫy cây cối, hỏi các cán bộ lãnh đạo cùng đi. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, cho biết: “Ở đây vẫn còn vướng 1,6 km đất rừng thuộc diện tranh chấp giữa người dân địa phương với đơn vị lâm nghiệp chưa giải phóng mặt bằng được”. Đi tiếp trên bờ kênh về hướng hồ Tân Lập, dừng lại ở bãi đất trống khá rộng, thấy Chủ tịch tỉnh băn khoăn kênh vẫn chưa thông khi đã ở gần lồng hồ phía bên trên. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn giải thích thêm với lãnh đạo tỉnh: “Hướng kênh Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon lên đây đụng phải dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, phải điều chỉnh thiết kế ôm vòng qua chân núi dài khoảng 10 km, cơ bản đã giải phóng mặt bằng. Hiện vẫn 1,5 km đất rừng chưa thông cũng vướng như đoạn trên, bởi người dân tranh chấp với đơn vị lâm nghiệp”. Qua xem xét bản đồ và thực địa, giữa buổi xế trưa nắng gắt trên công trình, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận xúc tiến phối hợp UBND Hàm Thuận Nam tuyên truyền vận động nhân dân trong vùng dự án hiểu rõ tầm quan trong công trình thủy lợi, có giải pháp thích hợp đối với việc đền bù giải tỏa phần nhỏ diện tích còn lại giao cho đơn vị thi công, cũng như tổ chức đấu thầu đoạn 10 km sau cùng (gói 15 A) vào quý II tới. Sở Nông nghiệp & PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận và đơn vị thi công (Công ty CP Xây dựng phát triển hạ tầng Bình Thuận) phấn đấu hoàn thành toàn bộ chiều dài tuyến kênh tiếp nước Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon trong năm nay để nối mạng thủy lợi cho toàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng với đó, chủ đầu tư công trình thủy lợi then yếu này cần xúc tiến thanh toán chi phí đầu tư cho đơn vị thi công đã hoàn thành các hạng mục thuộc hai gói thầu trước là 15 B và 15 C, tạo điều kiện hoàn tất công trình.

Trong khi đó, một phó giám đốc Công ty CP Xây dựng phát triển hạ tầng Bình Thuận (đơn vị thi công hai gói thầu 15 B, 15 C trước đó đã cơ bản hoàn thành), cho chúng tôi biết, công ty đã huy động nhiều kỹ sư, hàng trăm lượt công nhân cùng hàng chục phương tiện chuyên dùng như xe ủi, xe xúc để thi công hai gói thầu trên dài gần 10 km qua địa hình núi đồi phức tạp với không ít tầng đá ngầm dưới đất. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, một đội thi công ứng trực trên công trình thi công xuyên tết qua địa hình phức tạp để kịp tiến độ. Đội đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai tặng quà trong chuyến thực địa này. Đây là niềm cổ vũ, động viên rất lớn đối với cán bộ, công nhân trên công trường đầy nắng gió, bụi bặm.

Trong thời gian không bao lâu nữa, tuyến kênh tiếp nước Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon phía Nam huyện Hàm Thuận Nam sẽ hoàn thành, hòa mạng với tuyến kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ đã hoàn thành từ trước. Hệ thống thủy lợi liên hoàn này sẽ cung cấp nước tưới cho trăm ngàn ha thanh long, cây ăn trái khác cùng hoa màu của huyện này. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi cho Hàm Thuận Nam không chỉ phát triển cây trồng lợi thế nông nghiệp, mà còn thúc đẩy các ngành nghề khác trong các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp đã và đang hình thành của huyện trọng điểm ở phía Nam tỉnh.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nước rút” cho tuyến kênh tiếp nước Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon