Hộp nuôi tằm và sản phẩm kén có màu trắng ngà
Nghề cho lợi nhuận khá
Anh Phạm Văn Quyết (thôn 10, xã Đức Tín) là người tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả trên địa bàn xã Đức Tín. Anh Quyết cho biết, cách đây 7 năm về trước, cây tiêu bị dịch bệnh chết trên quy mô rộng, đàn heo cũng bị giảm do dịch tả heo châu Phi. Thời điểm này, anh đã bỏ ra nhiều công sức để tìm tòi học hỏi cách trồng dâu nuôi tằm ở nhiều địa phương khác nhau. Sau khi đã có kiến thức ổn định, anh bắt tay vào đầu tư trồng 1 ha cây dâu (giống mới) với 150 m2 nhà nuôi tằm. Với diện tích trên, anh đã nuôi 4 hộp tằm con, thời gian nuôi 20 ngày trong kỹ thuật nhà trệt, nền tráng xi măng. Qua 1 năm chuyển đổi, anh Quyết nhận thấy hiệu quả mang lại rõ rệt khi cho thu hoạch ổn định với mức giá bán bình quân như hiện nay là 160.000 - 170.000 đồng/kg kén thành phẩm. Trừ chi phí anh thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm có khả quan, thu nhập ổn định. “Một hộp tằm nuôi trong khoảng 15 - 18 ngày, cho ra thành phẩm từ 45 - 65 kg kén tùy theo hộp nhỏ hoặc lớn, đặc biệt cần phải chủ động trồng đến 2 sào dâu mới đủ cung ứng nguồn thức ăn cho mỗi đợt nuôi tằm. Còn khu vực nuôi tằm phải thông thoáng và mát mẻ, nhiệt độ từ 25 - 28, khi tằm chín lên mé – vật dụng nằm cuộn tròn để tạo kén phải có nắng gió lưu thông cho ra thành phẩm kén có màu trắng ngà –phẩm cấp đẹp, bán được giá cao”, anh Quyết chia sẻ.
Rải lá dâu cho kén ăn.
Nhiều hộ dân trong xã thấy hiệu quả của mô hình nên đã đến tham quan, học hỏi. Anh Quyết đã nhiệt tình tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Với sự cầm tay chỉ việc anh đã hỗ trợ cho các hộ nông dân hom giống cây dâu, tư vấn kỹ thuật nuôi tằm tại nhà. Từ đây, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ở xã Đức Tín cũng ra đời và liên tục mở rộng thành viên cũng như diện tích canh tác.
Giờ đây, đến với Đức Tín dễ nhận thấy những rẫy canh tác đậu, mì lúc trước nay đã được một số nông hộ trên địa bàn xã thay thế bằng những nương dâu nuôi tằm. Trồng tập trung, liền thửa với màu xanh tươi tốt ngút ngàn. Chị Bùi Thị Thu Tâm (thành viên tổ hợp tác xã) chia sẻ: Chị “bén duyên” với nghề trồng dâu, nuôi tằm này cũng đã được 5 năm. Chị nhận thấy, cùng một diện tích đất, nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng cây màu truyền thống. Theo tính toán, nuôi 1 hộp tằm trong 18 ngày nông dân lợi nhuận không dưới 10 triệu đồng, thích ứng với câu nói “nuôi heo cả năm, bằng nuôi tằm một lứa”.
Vườn dâu được chăm sóc tươi tốt để nuôi kén.
Mở hướng phát triển bền vững
Đức Tín có khí hậu hanh khô và nóng ấm, tưởng rằng khó thích hợp để trồng dâu nuôi tằm, thế nhưng, cái hay ở Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ở địa phương này là các thành viên cùng đồng lòng đoàn kết. Người có kinh nghiệm sẽ tận tình hướng dẫn cho người mới vào nghề, bằng cách cầm tay chỉ việc nuôi tằm cùng đợt để trao đổi chia sẻ trong suốt quá trình nuôi cho đến khi có thành phẩm thu hoạch. Đặc biệt với giống dâu mới và giống tằm mới cùng với kỹ thuật nuôi hiện đại, nghề trồng dâu nuôi tằm đang có cơ hội phát triển. Giống dâu mới cho nhiều lá, giống tằm mới cũng ít bệnh, dễ nuôi cho kén chất lượng hơn so với giống truyền thống. Cộng với phương pháp mới (tằm được nuôi dưới nền xi măng, không cần nong tre), việc cho ăn thay phân rất thuận lợi, tiết kiệm công chăm sóc, nên cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tín cho biết, trồng dâu nuôi tằm nên duyên ở xã Đức Tín hơn 7 năm nay. Một số doanh nghiệp đến từ tỉnh Lâm Đồng đã tìm đến liên kết với các thành viên trong tổ hợp tác cung ứng con giống, vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm “kén tằm” để sơ chế, chế biến thành tơ lụa xuất khẩu. “Ban đầu, Đức Tín chỉ có 1 - 2 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Tuy nhiên, đến năm 2023 phát triển thành Tổ hợp tác và hiện tại, Tổ hợp tác có 25 nông hộ trồng gần 40 ha dâu, trong đó, 16 hộ đang nuôi tằm và canh tác khoảng 25 ha dâu, diện tích còn lại đang trồng mới. Bình quân mỗi tháng trên địa bàn xã Đức Tín, Tổ hợp tác thu hoạch khoảng hơn 2 tấn kén, với giá từ 160.000 -170.000 đồng/kg kén thành phẩm thì người nông dân có lãi”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, trong thời gian tới, xã sẽ mời các tổ hợp tác và mời một số kỹ sư về tư vấn và truyền đạt lại nhiều nội dung nhằm áp dụng thực tế để địa phương phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm này. Đặc biệt, Đức Tín cũng đã lựa chọn mô hình này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2024 và sẽ cố gắng trong phạm vi có thể sẽ hỗ trợ cho tổ hợp tác phát triển; có thể sau này sẽ thành hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm của xã Đức Tín.