Theo dõi trên

Nuôi tôm giống và… vấn đề môi trường ven biển

13/09/2019, 09:20

 BT- Biến đổi khí hậu, rác thải trôi dạt vào bờ, quá trình đô thị hóa, công nghiệp ven biển dẫn đến lượng chất thải hữu cơ quá nhiều trong nước. Điều này dẫn tới các nơi cư trú sinh vật bị hủy hoại, dịch bệnh xuất hiện trên vật nuôi, nhất là tôm giống…

                
Nghề nuôi thủy sản ven biển Tuy Phong.

 Ảnh hưởng nghề nuôi do ô nhiễm nguồn nước

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 141 cơ sở/738 trại sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Trong đó, riêng trên địa bàn huyện Tuy Phong có 118 cơ sở/737 trại sản xuất, chủ yếu ở xã Vĩnh Tân và một số ít cơ sở nuôi tại xã Chí Công.

Đáng nói, từ đầu năm 2019 đến nay, nước biển ven bờ khu vực xã Vĩnh Tân thường xuyên bị đục, bùn xuất hiện nhiều trong các ao lắng khi các cơ sở lấy nước phục vụ sản xuất. Đây là mối lo ngại của các hộ nuôi và doanh nghiệp liên quan vì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôm bố mẹ. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Phong cho biết, hiện nay các cơ sở nuôi tôm giống quy mô lớn trên địa bàn xã Vĩnh Tân lấy nước biển phục vụ nuôi tôm cách xa bờ khoảng 3 - 4 hải lý. Các cơ sở nhỏ khác lấy nước cách bờ biển vài trăm mét. Do nguồn nước ven bờ có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn nước bị đục, khi đưa vào xử lý gặp khá nhiều khó khăn, đôi khi phải xả nước nhiều lần.

Một số doanh nghiệp nuôi tôm tại Tuy Phong đánh giá, nguồn nước biển ven bờ dùng nuôi tôm giống gặp nhiều khó khăn hơn so với thời điểm 5 - 10 năm trước. Nguyên nhân được đánh giá là do nhiều yếu tố tác động. Trong đó, nổi cộm nhất là nguồn thải từ hoạt động dân cư ven biển. Rác sinh hoạt được thải ra qua hệ thống sông ngòi, kênh rạch hoặc đổ trực tiếp ra biển. Thậm chí, vẫn còn một số cơ sở nuôi tôm chưa được đầu tư hệ thống nước thải hiệu quả, ao lắng đảm bảo quy chuẩn về môi trường, dẫn đến nguồn gây ô nhiễm.

 Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xả thải ra biển

Bàn về giải pháp bảo vệ môi trường ven biển khu vực nuôi tôm giống ở Tuy Phong, TS Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh đã đề cập đến một số giải pháp cần làm trong thời gian tới. Đó chính là việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vứt rác thải, các nguồn thải ra biển ở các khu dân cư, nhà hàng, khách sạn, các bãi tắm ven biển làm ô nhiễm nguồn nước biển. Đặc biệt đối với nghề nuôi tôm, phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch ven biển. Tiến hành quan trắc định kỳ nước biển ven bờ vùng nuôi tôm giống để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển. Từ đó kịp thời cảnh báo để xử lý nhanh chóng và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường tốt nhất.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra phương hướng là tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản, gắn với sản phẩm có lợi thế, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Riêng sản xuất giống thủy sản, đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất giống thủy sản theo hướng phát triển chiều sâu, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường kiểm tra chất lượng giống thủy sản, nhất là giống tôm bố mẹ, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, giữ vững uy tín, thương hiệu tôm giống Bình Thuận. 

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia
BTO-Sáng 5/11, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi tôm giống và… vấn đề môi trường ven biển