Người lính phục viên khởi nghiệp
Ông Hùng (sinh năm 1970), từng là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 367, đơn vị Phòng không- Không quân, đóng tại Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi phục viên, ông đi khắp các nhà vườn từ Đồng Nai, Bình Thuận, ra cả đảo Phú Quý để khoan giếng cho mọi người. Nghề khoan giếng không chỉ là kế sinh nhai mà còn giúp ông quan sát, tiếp xúc và học hỏi được nhiều điều từ nghề làm vườn. Và đặc biệt, chính nghề khoan giếng nay đây mai đó đã giúp ông tìm được quê hương thứ 2 của mình là vùng đất dư thừa nắng gió Bình Thuận.
Nhận thấy ông quá tha thiết với vùng đất sỏi đá, chính quyền địa phương đã cho phép ông khai hoang một diện tích hạn chế trên vùng Sườn Giăng. Bao nhiêu tiền dành dụm từ những ngày đi khoan giếng khắp nơi, ông mua thêm, góp nhặt từng mảnh rẫy nhỏ của dân địa phương. Giờ đây, tổng diện tích vườn của ông đã lên tới 8 ha.
Vào khoảng tháng 5/2015, bắt đầu mùa mưa, biết đây là lúc xuống giống thích hợp, ông Hùng đích thân đi tận Chợ Lách, Bến Tre để chọn mua giống bưởi da xanh về trồng. Ông chọn mật độ trồng dày, 4 m x 4 m, (thay vì 4,5 m x 4,5 m theo lý thuyết), ông nghĩ đây là vùng đất khô cằn và chấp nhận tốn công cắt tán hàng năm (nếu để tán chồng sẽ sinh nấm mốc trên thân và lá) và việc cắt tán cũng cần thiết. Với nghề khoan giếng kỳ cựu, bài toán về nước được ông giải quyết nhanh chóng. Ông thuê máy xúc đào một hồ lớn cách vườn bưởi khoảng 70 m để chứa nước mưa và khoan các giếng “vệ tinh” để bơm bổ sung giữ lượng nước hồ ổn định quanh năm. Tuy xa 70 m nhưng ông thiết kế đường ống dẫn nước hợp lý nên việc bơm tưới cũng không mấy cực nhọc. Bưởi cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn cây con và ra hoa đậu trái. Đặc biệt mùa nắng, ông tăng cường lượng nước tưới sao cho lúc nào cũng bảo đảm được độ ẩm cần thiết nơi vùng gốc. Cây bưởi được chăm sóc kỹ lưỡng lớn nhanh, xanh tốt, thoắt cái đã vượt quá đầu người. Để bớt công làm cỏ và không phải xịt thuốc diệt cỏ, ông Hùng sáng kiến mua một bầy gà tây về thả trong vườn cho ăn cỏ và cung cấp một lượng phân đáng kể cải tạo chân đất.
Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó
Cực nhọc mày mò chăm sóc từng cây, từng nhánh, đến năm 2018, vườn bưởi mới cho trái bói. Tưởng những gian khổ đã qua đang được bù đắp nhưng lúc này chính là lúc thử thách cao độ đối với ông. Cầm múi bưởi khô, không đạt yêu cầu trên tay, vầng trán ông nhíu lại, bần thần. Những người nông dân trồng thanh long ghé qua khuyên ông nên trồng thanh long cho chắc, đất này từ xưa đến nay không ai trồng bưởi. Họ cho rằng ông Hùng đem tiền của và công sức bỏ vào vùng sỏi đá, là điên rồ và thiếu hiểu biết. Ngay cả người nhà cũng không ủng hộ việc ông “bướng bỉnh” theo đuổi cây bưởi da xanh. Không nản lòng, ông điện thoại hỏi những nhà vườn quen ở Đồng Nai, họ chỉ cách khắc phục, ông mừng quá, làm theo đúng như vậy nhưng mùa năm sau múi khô vẫn hoàn múi khô. Ông Hùng buồn lo nhưng với bản tính kiên gan của người lính đã được rèn luyện, ông quyết không bỏ cuộc. Ông nghĩ rằng: Lỗi do mình chứ không phải do trời do đất, do mình học hỏi không đến nơi đến chốn. Đêm nằm gác tay lên trán ông suy nghĩ nhiều về quy trình chăm sóc, có lẽ mình sai ở công đoạn này, chứ cách trồng thì không vấn đề gì. Ông biết rễ bưởi ăn ngang phù hợp với chân đất thoát nước, không gây úng này.
Ông đích thân vào gặp các kỹ sư Trường Đại học Cần Thơ để hỏi lại cặn kẽ các khâu chăm sóc từ việc cắt tỉa tán, bón phân, kỹ thuật bón, phòng trừ sâu bệnh đến việc bảo vệ trái. Và ngay sau đó, ông đi trực tiếp đến các vườn bưởi da xanh ở miền Tây để quan sát, trao đổi, học hỏi từng khâu nhỏ nhất.
Vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Thế Hùng
Sau chuyến đi đó, ông về củng cố lại một số khâu chăm sóc. Về phân bón, ông xác định dùng chủ yếu phân hữu cơ, 1 năm bón 2 lần. Đây là hướng canh tác tiên tiến, sản xuất trái cây sạch. Liều lượng 15 - 30 kg/năm/cây trưởng thành rất tốt cho bưởi, giúp tăng tuổi thọ rất rõ cho cây. Không bón xác bã hữu cơ tươi vào đất mà nên ủ cho hoai mục trước khi bón. Các nguyên liệu hữu cơ được gom lại, có thể trộn với vôi để xử lý một số mầm bệnh trong đống ủ. Ngoài ra, ông còn đặt mua bánh dầu phụng và cá tạp ủ lấy nước tưới. Việc dùng phân vô cơ chỉ với liều lượng thật cần thiết: Dùng DAP rải xa gốc hoặc NPK phun lên lá. Đạm giúp cây phát triển nhanh, đâm chồi, thiếu đạm cây bưởi còi cọc, ốm yếu, đạm phù hợp cho cây bưởi trong giai đoạn tăng trưởng.
Khi vườn bưởi ra bông, ông Hùng mướn nhân công đồng loạt xịt tinh dầu tỏi để xua đuổi côn trùng. Khi trái lớn thì kịp thời bọc lại che nắng và ruồi vàng. Quả nhiên ngay mùa trái năm sau, ông Hùng đã thành công, cầm múi bưởi hồng hồng mọng nước, có vị thanh, thơm ngon, dễ bóc, không hạt, đạt chất lượng, hai mắt ông rưng rưng vì hạnh phúc. Đây thực sự là phần thưởng quý báu cho người nông dân một nắng hai sương, thức đêm thức hôm không ngại gian khổ, luôn trăn trở, học hỏi để theo kịp xu hướng phát triển mới mẻ, hiện đại của đời sống. Trong cuộc trò chuyện trao đổi với chúng tôi trong những ngày cuối năm này, sau khi kể lại hết những thất bại và vượt khó để có thành công như ngày hôm nay, ông Hùng trầm ngâm nói: Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó, ông bà mình từng dạy vậy mà!
Vườn bưởi da xanh đón tết
Chúng tôi cùng ông Hùng lom khom đi vào vườn bưởi, trái lúc lỉu trên đầu, có chùm đến 5 trái, có chùm 3 trái. Tôi đếm thử một cây, số trái lên đến 60, một cây nữa là 40 trái, tính chung chung bình quân khoảng một cây 40 trái. Nhân cho 300 cây, kết quả cho khoảng 12 tấn. Đây là lô hàng ông Hùng chuẩn bị bán Tết Tân Sửu. Nếu được giá 50.000 đồng/kg bưởi đẹp và 20.000 đồng/kg bưởi dạt như năm ngoái thì số tiền nửa tỷ đồng thu được của vụ này là chuyện trong tầm tay.
Ông Hùng cho biết, mặc dù do ảnh hưởng dịch Covid-19, hàng xuất không đều nhưng bù lại năm nay xu hướng mua bán online thuận lợi. Ngoài việc mang ra chợ bán trực tiếp, ông còn chuẩn bị hợp tác với bưu điện và Viettel post để ship bưởi đến tận nơi cho khách. Mọi khâu chuẩn bị cho đến giờ này đều thuận lợi, chu đáo, tỉ mỉ, 12 tấn bưởi da xanh sạch, đạt chuẩn đang chuẩn bị đến tay người tiêu dùng trong dịp tết này.
Khi được chúng tôi hỏi về dự tính tiếp theo, ông Hùng vui vẻ dẫn chúng tôi đi khắp trang trại 8 ha của ông để giới thiệu thêm khu vườn 300 cây mít múi đó, xơ đỏ 18 tháng tuổi. Ông nói: Kế hoạch lâu dài của tôi là biến nơi đây thành một trang trại sinh thái. Khi các con đường đang thi công ngang đây hoàn thành thì vườn bưởi, vườn mít và hệ thống ao hồ nhân tạo, rừng cây trồng cũng đẹp rồi. Hy vọng nơi sỏi đá khô cằn, hoang mạc này sẽ là nơi mọi người thích dừng chân trú mát, nghỉ ngơi, thưởng thức trái cây sạch.
Tạm biệt ông Hùng, tạm biệt “ốc đảo bưởi da xanh”, chúng tôi thật sự nể phục tinh thần kiên trì, chịu thương chịu khó của một cựu chiến binh. Tinh thần của người lính đã nở hoa trong đời sống thường nhật! Riêng tôi nhớ mãi câu nói của ông Hùng khi bóc múi bưởi hồng hồng mời chúng tôi bên bàn trà: “Nếu không bao giờ thất bại và không bao giờ có sai lầm gì chứng tỏ mình chẳng thực sự làm gì cả. Thành công luôn trải qua những điều như vậy”. Quả đúng thế, dấu chấm than xanh mượt trên hoang mạc sỏi đá Sườn Giăng đã gợi lên một bài học đáng giá, thuyết phục về ước mơ và lòng kiên trì.
Bút ký: Nguyễn Hiệp