Theo dõi trên

“Ðói mấy cũng đi học”

18/08/2017, 10:50

BT- Đó là câu nói thể hiện ý chí, tinh thần và cả định hướng cho con cái của người đàn ông Raglai sinh sống trên vùng đất nghèo khổ thuộc thôn 2, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh. Vượt qua hết mọi sóng gió gian khổ để cho cả 8 người con của mình đến trường, nhờ vậy mà ngày nay cứ nhắc đến Suối Kiết là người ta nhắc ngay đến gia đình ông Nguyễn Văn Ngay, một gia đình tiêu biểu hiếu học với một đội ngũ trí thức đáng kể của địa phương: 2 bác sĩ, 2 cô giáo và 2 cán  bộ. 

                
   Ông Nguyễn Văn Ngay (thứ 3 từ trái qua)    khi còn sống và các con.

I.Từ thân phận làm mướn

Ông Nguyễn Văn Ngay (SN 1938), có họ gốc Pa Tâu (Đá Mài), là một dòng họ khá lớn thuộc dân tộc Raglai (Raglei, Rai, Noang, Laoang), sinh sống nhiều ở Tánh Linh, Bình Thuận.

Ông Ngay mồ côi từ nhỏ, được ông bà nội đem về nuôi nấng. Năm 1954 là năm có biến cố lớn trong gia đình ông: Bà nội đột ngột qua đời. Vì theo chế độ mẫu hệ nên sự ra đi của bà nội làm cho gia đình ông mất đi trụ cột chính. Ông nội ngay sau đó phải đi ở mướn cho Tây để kiếm sống. Ông Ngay, lúc bấy giờ 16 tuổi, trôi dạt vào làm mướn cho nhà thầy giáo Tòng. Với tính tình chịu thương chịu khó, thật thà, ăn ngay nói thẳng và học hỏi mọi điều rất nhanh, ông được thầy giáo Tòng yêu mến chú tâm dạy dỗ và nhận làm con nuôi. Từ thân phận người làm mướn, ông trở thành đứa con ngoan và là một học trò rất giỏi của thầy Tòng. Năm 19 tuổi, thầy Tòng làm giấy khai sinh cho ông mang họ Nguyễn của thầy và tên họ Nguyễn Văn Ngay gắn với ông từ đó.

Sau bao nhiêu sóng gió lưu lạc bởi thời cuộc, năm 1976, ông đem gia đình mới của mình về lại Suối Kiết sinh sống. Lúc bấy giờ, ngoài hoàn cảnh rẫy bái thiếu trước hụt sau, nơi đây còn là ổ sốt ác tính, gia đình ông cũng như bao nhiêu người dân ở đây đều đói ăn, đều bệnh tật liên miên. Có những lúc tất cả các thành viên trong nhà đều sốt nằm li bì, không còn ai có thể đứng dậy được đi luộc củ, nấu cháo cho mọi người. Những người xung quanh hoang mang, lo sợ và nói với nhau: Vùng đất này là vùng đất chết dịch chết toi, ma quỷ bệnh tật triền miên không sống được đâu, đi nơi khác thôi. Thế nhưng gia đình ông Ngay vẫn bám trụ và quyết tâm cho con cái đi học. 

II. Khi việc học trở thành lẽ sống

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Châu, là con gái út của ông Ngay, nhắc đến cha mình với đôi mắt hoe đỏ: “Ba rất thương các con nhưng cũng rất nghiêm khắc, nhất là việc học, ba thường nói: “Có đói mấy cũng đi học! không học thì không thay đổi được cuộc sống quá nghèo, quá khổ này”. Ba thường dạy con cái bằng những câu thơ dễ nhớ, dễ hiểu, thấm vào máu thịt, chẳng hạn những câu này Châu không thể quên được:

Không cày ruộng thì kho tàng trống rỗng

Không học hành thì dòng giống ngu si

Dòng giống ngu si thì lễ nghĩa còn gì

Kho trống rỗng thì lấy chi độ nhật...

Hay: “Nhân bất học bất tri lý/ Ngọc bất trác bất thành khí”

Ba cũng thường dùng tục ngữ:

“Một kho vàng không bằng một nang chữ”

“Có cày có thóc, có học có chữ”...

Cô Nguyễn Thị Kim Cương, con gái thứ bảy, lặng người trầm tư khi nhắc về cha mình: “Cha tôi là ngọn lửa khai sáng của gia đình, khai sáng cả về trí tuệ và cả về văn hóa. Chúng tôi lớn lên trong môi trường giao thoa văn hóa giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số nên chúng tôi rất cần ngọn lửa của ba. Không chỉ là sự biết ơn mà cha tôi còn là niềm tự hào của tất cả các con. Cha tôi luôn nhắc chúng tôi giữ gìn nguồn gốc và việc học tập siêng năng phải trở thành truyền thống của gia đình, nói rộng ra là truyền thống của dân tộc mình. Trong những lúc khó khăn cùng cực nhất, cha tôi vẫn kiên quyết cho các con đi học, khích lệ các con, thậm chí là nghiêm khắc không chấp nhận một trường hợp bỏ học nào”.

Anh Nguyễn Tấn Thanh tâm sự: Nhà tôi đông anh em, cha tôi lại thương tật không làm được gì nhiều nên gia đình thường xuyên rơi vào cảnh túng bấn thiếu đói. Các anh em trai chúng tôi mỗi người chỉ có một bộ quần áo đi học, về nhà phải ở trần mặc quần đùi. Từ nhà đến trường tiểu học Ngã ba sông Dinh là 3,5 cây số, từ nhà đến trường cấp 2 ở Căn cứ sáu là 13 cây số chúng tôi đều phải đi bộ. Khi vào cấp 3, đi học trọ xa hơn, cuối tuần chúng tôi phải đi bộ về nhà lấy củ mì khô muối và một ít gạo. Khi chúng tôi học cao hơn, cha tôi phải bán lần lượt hết bầy trâu để gửi tiền cho mấy anh em ăn học. Mẹ tôi (Huỳnh Thị Năm) là một phụ nữ Raglai chịu thương chịu khó tất cả vì chồng con, luôn giành phần thiệt thòi về phía mình. Cha tôi thường nói một câu như là mệnh lệnh: “Đói mấy cũng đi học! Nghèo mấy cũng phải học!”.

Từ ý chí ấy của người cha, 8 đứa con lần lượt lớn khôn, trưởng thành và luôn xem việc lĩnh hội kiến thức là một thang giá trị quan trọng của đời sống. Bác sĩ Nguyễn Tấn Khánh (SN 1962), tốt nghiệp Đại học Y khoa Tây nguyên. Bác sĩ Nguyễn Tấn Thành (SN 1966), tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế. Anh Nguyễn Tấn Thanh (SN 1968), học xong 12 về làm Thôn trưởng thay cha. Chị Nguyễn Thị Bích Liễu (SN 1970), học xong 12 chuyên tâm với nghề nông. Chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1973), tốt nghiệp Đại học Nông lâm Tây Nguyên, hiện là Phó phòng Dân tộc huyện Tánh Linh. Chị Nguyễn Thị Cẩm Sương (SN 1978), tốt nghiệp 12, chuyên tâm với nghề nông. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cương (SN 1983), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, hiện là giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Suối Kiết. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Châu (SN 1987), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tây Nguyên, hiện là giáo viên môn Sinh Trường THCS Suối Kiết.

Suốt nửa đời làm Thôn trưởng tất bật đêm hôm vì lòng thương dân, không một chút vụ lợi cho riêng mình. Suốt một đời làm cha của 8 đứa con luôn lấy sự học của con làm lẽ sống, làm mục tiêu để nỗ lực, phấn đấu. Tấm gương ông Nguyễn Văn Ngay và gia đình hiếu học của mình đã trở thành bài học của người dân Suối Kiết, nhất là với người dân tộc Raglai, mỗi khi cha mẹ muốn dạy con cái đi vào con đường sống đúng đắn. Mặc dù đã qua đời, ông Ngay xứng đáng được tôn vinh là người đàn ông Raglai tiêu biểu của Tánh Linh, của Suối Kiết và của người Raglai ở quê nhà.    

Ký sự: NguyỄn Tân HẢi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Ðói mấy cũng đi học”