Theo dõi trên

Ông Ba Thất và chuyện cắm cờ trên nóc chi khu Thiện Giáo

07/04/2017, 10:45

BT- Sau chiến thắng ở Tây nguyên, cục diện chiến trường có bước nhảy vọt khi Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tại Bình Thuận, các lực lượng vũ trang đã phối hợp với Quân khu VI giải phóng huyện Tánh Linh, Hoài Đức từ cuối năm 1974 và làm chủ nhiều vùng nông thôn ở huyện Hàm Thuận, tạo một vành đai vây ép dồn địch vào các trung tâm thị xã, thị trấn.

                
Nguyễn Ngọc Thất (Ba Thất) - người chỉ huy    đánh chiếm chi khu Thiện Giáo.

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/1975, trước khí thế cách mạng hừng hực tiến công. Tin chiến thắng từ khắp nơi dội về cổ vũ tinh thần quyết thắng của quân dân tỉnh nhà. Cùng lúc đó hàng ngàn binh lính bại trận của địch từ miền Trung chạy vào đốt phá một số chợ, khiến nội bộ địch càng thêm rối loạn.

Chớp thời cơ thuận lợi, với tinh thần chủ động, ngày 5/4/1975, Tỉnh ủy Bình Thuận hạ quyết tâm giải phóng Ma Lâm (chi khu quận lỵ Thiện Giáo) và các ấp dọc đường 8, quốc lộ 1A, áp sát Phan Thiết. Sau đó sẽ phối hợp với đại quân của ta giải phóng Phan Thiết và toàn tỉnh.

 Nhận nhiệm vụ

Trưa ngày 6/4/1075, Đại đội trưởng Đại đội 3/430 Nguyễn Ngọc Thất (Ba Thất) cùng đơn vị đóng quân tại Xoài Quỳ sau trận đánh xe tăng ở Hàm Thắng thì nhận được thư của cấp trên yêu cầu đại đội của ông ngay trong đêm phải có mặt tại căn cứ Cỏ Mồm (xã Thuận Minh) để nhận nhiệm vụ đánh vào chi khu Thiện Giáo.

Ông Ba hiểu rằng việc một đơn vị bộ đội địa phương cấp huyện lại được Tỉnh ủy và quân khu tin tưởng cho tham gia đánh lớn là vinh dự, song trách nhiệm cũng hết sức nặng nề, gắn liền với sinh tử. Biết vợ đang mang thai đứa con đầu lòng, trên đường về Cỏ Mồm, ông Ba quyết định rẽ vào Trạm giao liên Xóm Rơ (xã Hàm Chính) vài phút để gặp vợ, nhằm động viên bà và nhờ những cán bộ trong trạm giúp đỡ vợ lúc sinh nở.

“Tui bất ngờ là chính vợ tui, chị Bảy Hoa, cán bộ phụ nữ và chị em trong trạm lại động viên ngược lại tui yên tâm chiến đấu mọi việc ở nhà đã có mọi người lo”, ông Ba nhớ lại.

Tại căn cứ Cỏ Mồm, ông Ba Thất được BCH Mặt trận đường 8 giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 3/430 đảm nhận một mũi tấn công theo hướng thọc sâu, đánh chiếm nhà quận trưởng, lô cốt mẹ và cắm cờ giải phóng lên cột cờ của chi khu. Các mũi khác ở hướng Nam do Tiểu đoàn bộ binh 482 Bình Thuận đảm trách, hướng Bắc Tiểu đoàn 840/812, hướng Đông Nam Tiểu đoàn 200C đặc công của bộ đội chủ lực cùng với các tiểu đoàn pháo 130 cùng phối hợp, hiệp đồng tác chiến đánh chiếm chi khu Thiện Giáo.

 Trận đánh ác liệt

Do chỉ có 27 tay súng nên Đại đội 3/430 của ông Ba Thất được cấp trên tăng cường thêm 2 xe thiết giáp  là chiến lợi phẩm thu được từ trận Hoài Đức, hỗ trợ tấn công.

Đúng 2 giờ 25 ngày 8/4, lệnh nổ súng tấn công vào chi khu Thiện Giáo được phát ra. Theo kế hoạch, sau khi pháo của Tiểu đoàn 130 từ hướng Nỗng Cà Tang bắn vào chi khu khoảng 30 phút thì các mũi tấn công sẽ dùng bộc phá mở rào để bộ binh đánh vào. Tuy nhiên pháo đã không bắn trúng mục tiêu mà lệch ra ngoài cùng với hỏa lực phản kháng mạnh của địch từ chi khu bắn ra nên các mũi tấn công đều bị chựng lại.

Đến 7 giờ sáng ngày 8/4,  tình hình diễn ra rất ác liệt. Ở hướng Nam, Tiểu đoàn bộ binh 482 vẫn chưa mở được lớp rào nào. Hướng Đông nam, Tiểu đoàn đặc công C200 chỉ mở được 2/6 lớp rào, phía Bắc hướng của Tiểu đoàn 840/812 cũng chưa vào được.

Riêng hướng thọc sâu, Đại đội 3/430 sau khi dùng xe thiết giáp vào cách cổng chi khu khoảng 40m, dùng B40 bắn vào lô cốt mẹ nhưng vẫn không hiệu quả. Từ trên cao, đạn đại liên như vãi cắm vào hướng của đại đội ông Ba Thất. Đến 9 giờ sáng do thương vong quá nhiều, ông Ba quyết định cho đơn vị mình lui quân ra hướng chợ cũ Ma Lâm, cách chi khu khoảng 300m để tổ chức phòng ngự chờ chi viện. Kiểm tra lại quân số, đại đội  chỉ còn vỏn vẹn 9 người. Cùng lúc này các mũi khác cũng lui quân về khu vực Nỗng Cà Tang và lân cận, để chờ lệnh của chỉ huy mặt trận.

Bất ngờ đến khoảng 10 giờ thì máy bay địch từ hướng Sài Gòn ra, rãi bom về hướng ém quân của đại đội ông Ba Thất. Chiếc xe thiết giáp bị trúng bom bốc cháy một phần của xe. “Lúc đó tôi hỏi người tài xế xe có còn tham gia chiến đấu được nữa hay không, thì bất ngờ anh ta nói không phải là bộ đội mà là lính của quân đội Sài Gòn, khi cách mạng thu 2 xe thiết giáp là chiến lợi phẩm ở Hoài Đức đã yêu cầu cầu anh ta đi theo lái xe. Khi biết xe không còn chiến đấu được và người lái xe khẩn khoản xin về với vợ con thì tôi  đồng ý cho anh này lái xe chở 4 đồng chí bị thương nặng đi về phía ấp 18 mà ta đã giải phóng cách đó khoảng 3km”, ông Ba Thất kể.

Đến khoảng 17 giờ ngày 8/4, ông Ba nối được liên lạc với sở chỉ huy và được lệnh tổ chức lại đội hình tiếp tục tấn công. Đến 17 giờ 30 thì pháo của Tiểu đoàn 130 sau khi điều chỉnh lại đã bắn trúng mục tiêu vào giữa chi khu Thiện Giáo khiến hỏa lực địch bị tiêu hao, doanh trại của địch bị bốc cháy, lính bỏ chạy tán loạn. Đúng 18 giờ, các mũi đồng loạt tấn công vào chi khu. Mũi của ông Ba Thất chỉ còn 9 người đã tấn công chiếm nhà quận trưởng. Đến 20 giờ, đơn vị của ông Ba Thất đã tiếp cận, hạ cờ của chính quyền Sài Gòn xuống và treo lá cờ giải phóng lên nóc chi khu.

Đến 21 giờ ngày 8/4, đại đội làm chủ hoàn toàn chi khu Thiện Giáo và quận lỵ Ma Lâm. Chiều ngày 9/4, đại đội của ông Ba Thất cùng với các lực lượng vũ trang của tỉnh theo đường 8 đánh xuống đến Tân An (khu vực Nhà máy đèn Phan Thiết) và chốt chặn tại đây để cô lập Phan Thiết, sau đó cùng với lữ đoàn xe tăng của Quân đoàn 2 tham gia đánh vào chi khu Hàm Thuận tại Ngã Hai, góp phần giải phóng hoàn toàn  Bình Thuận vào ngày 19/4/1975.

 Giữa đời thường

Sau 1975, ông Ba Thất đảm nhận nhiều chức vụ trong quân đội. Đến năm 1983, là Huyện đội trưởng huyện Hàm Thuận Bắc. Năm 1993, ông chính thức nghỉ hưu với quân hàm trung tá.

“Trở về đời thường chỉ có số vốn từ tiền được trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu, con cái còn nhỏ, tôi phải bươn chãi làm đủ nghề để nuôi vợ con”, ông Ba Thất nhớ lại.

Giờ đây ở tuổi 67, ông Ba mới tính đến chuyện nghỉ ngơi khi có trong tay hơn 1.000 trụ thanh long, cơ sở kinh doanh xây lắp ông giao lại cho người con trai đảm nhiệm. 4 người con của ông giờ cũng thành đạt, trở thành người có ích cho xã hội.

Hôm chúng tôi gặp ông Ba, cũng là lúc người lính già và những người bạn đang lên kế hoạch tổ chức một chuyến đi Trường Sơn để thắp nén nhang cảm tạ những người lính ngã xuống cho hòa bình của đất nước và cuộc sống hạnh phúc của người dân hôm nay, trong đó có chính ông Ba và gia đình ông.                        

Lê Huân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Ba Thất và chuyện cắm cờ trên nóc chi khu Thiện Giáo