Theo dõi trên

Ông Biden thăm Hàn Quốc: Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Triều Tiên, dè chừng Trung Quốc

22/05/2022, 08:48

Tổng thống Mỹ Biden đã bắt đầu thăm chính thức Hàn Quốc. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến chuyến thăm và nhận ra một số tín hiệu về chính sách của giới lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên và Trung Quốc trong thời gian tới.

Cứng rắn hơn với Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân 

Ngay sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 21/5, hai vị lãnh đạo tuyên bố rằng họ xem xét mở rộng tập trận quân sự để răn đe mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên. Hiện nay ít có hy vọng về cơ hội ngoại giao thực sự trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố trên phản ánh một sự thay đổi trong định hướng của cả hai nhà lãnh đạo so với người tiền nhiệm. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem xét bỏ tập trận và bày tỏ thái độ trìu mến với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Trong khi đó, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn cam kết đối thoại với ông Kim Jong Un đến phút chót trong nhiệm kỳ của mình bất chấp liên tục bị phía Triều Tiên cự tuyệt.

Triều Tiên có lẽ sẽ lại phản ứng tức giận trước các tuyên bố trên. Họ đã từ lâu mô tả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là diễn tập cho việc xâm lược Triều Tiên, mặc dù Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố đây chỉ là tập trận phòng thủ.

Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon đã xác nhận trong cuộc họp báo chung rằng họ cam kết "phi hạt nhân hóa" Triều Tiên. Tuy nhiên, họ đồng thời cam kết trung thành với "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trước đó đã phát đi tín hiệu về một đường lối cứng rắn hơn với Triều Tiên so với người tiền nhiệm. Ông Yoon thậm chí còn cảnh báo về khả năng đánh phủ đầu nếu có dấu hiệu về một cuộc tấn công cận kề từ phía Bắc. Ông cam kết sẽ tăng cường năng lực răn đe của Hàn Quốc.

Phát biểu với các phóng viên trên chiếc máy bay Không lực Một, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ đã điều phối với Hàn Quốc và Nhật Bản về cách thức phản ứng nếu Triều Tiên thực hiện một cuộc thử hạt nhân hoặc tấn công bằng tên lửa khi Tổng thống Biden có mặt ở khu vực này hoặc ngay sau đó. 

Trong 14 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ ông Biden, Triều Tiên đã hoãn thử tên lửa dù họ phớt lờ các nỗ lực của chính quyền Biden muốn tiếp cận Triều Tiên đằng sau hậu trường với hy vọng việc nối lại đàm phán có thể khiến Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân hóa để đổi lại việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Nhưng sự yên tĩnh đó không kéo dài. Triều Tiên đã tiến hành 16 vụ thử tên lửa trong năm 2022 này, bao gồm cả tháng 3, khi đường bay đầu tiên của một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên từ năm 2017 đã chứng minh khả năng bắn xa tới toàn bộ lục địa Mỹ.

Mặc dù vậy, Tổng thống Biden cũng tái khẳng định đề xuất của ông được giúp đỡ Triều Tiên về mặt vaccine trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này đang đối diện với làn sóng Covid-19 lây lan nhanh chóng. Khi được hỏi liệu ông có sẵn lòng gặp gỡ với Nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Tổng thống Biden cho rằng điều đó phụ thuộc vào việc ông Kim có "chân thành" và "nghiêm túc" về vấn đề này hay không.

Cảnh giác với Trung Quốc

Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm Hàn Quốc, Tổng thống Biden đã đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Seoul và thắp nhang tại đó. 

Hai nhà lãnh đạo cùng nhấn mạnh đến an ninh kinh tế. Mỹ đã có những nỗ lực xây dựng một liên minh các nước châu Á có thể đối trọng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc. 

Mặc dù giới chức Nhà Trắng đã tìm cách giảm nhẹ bất cứ thông điệp công khai nào về việc chống Trung Quốc, đây vẫn là chủ đề chính trong chuyến thăm của ông Biden tới Hàn Quốc, và điều này thu hút chú ý của Bắc Kinh.

Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Hàn Quốc Liu Xiaoming viết trên mạng Twitter: "Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ gắn lời nói của mình với hành động của chính họ, hợp tác với các nước trong khu vực để thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác tại châu Á-Thái Bình Dương, thay cho việc gây chia rẽ và đối đầu".

Ông Yoon dự kiến sẽ dự lễ ra mắt Mạng lưới Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Nhưng do Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, có khả năng ông sẽ đưa ra phát ngôn thận trọng trước công chúng về chủ đề ứng phó với Trung Quốc.

Mặc dù ông Biden nêu rõ ông xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ, ông vẫn cho rằng cần giữ cho đường dây liên lạc giữa 2 cường quốc này thông suốt để họ có thể hợp tác trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Chính quyền Biden đang kêu gọi Trung Quốc giữ cho Triều Tiên không tiến hành thêm vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân nào khác. Đầu tuần này, Cố vấn Sullivan cũng nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì và hối thúc Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Triều Tiên ngừng các vụ thử./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nga bắt đầu rút lực lượng khỏi Syria
Nga bắt đầu rút một số lực lượng đóng tại Syria để củng cố lực lượng của họ ở Ukraine và hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch đặc biệt bắt đầu từ tháng 2 vừa qua.
Nổi bật
Khai mạc kỳ họp thứ 30 - HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI: Xem xét thông qua 7 nội dung quan trọng
BTO-Sáng nay (10/1), tại Hội trường Liên đoàn Lao động tỉnh đã khai mạc kỳ họp thứ 30 (chuyên đề) - Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (HĐND) khóa XI. Các đồng chí: Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tiêu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Nguyễn Thị Thuận Bích - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Biden thăm Hàn Quốc: Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Triều Tiên, dè chừng Trung Quốc