Theo dõi trên

Ông Trump sẽ lãnh đạo nước Mỹ thế nào trong nhiệm kỳ 2?

07/11/2024, 08:58

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự đoán sẽ tiếp tục triển khai những chính sách mà ông từng đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên khi trở thành tân chủ nhân Nhà Trắng.

"Chúng ta đã bị đối xử rất tệ, chủ yếu là bởi các đồng minh. Các đồng minh của chúng ta thực sự đối xử với chúng ta tệ hơn cả những bên được gọi là kẻ thù của chúng ta", ông Trump nói với những người ủng hộ vào tháng 9/2024 tại một sự kiện vận động tranh cử ở Wisconsin.

"Về mặt quân sự chúng ta bảo vệ họ và sau đó họ lừa gạt chúng ta về thương mại. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra nữa", ông Trump nhận định.

screenshot_1730944787.png
Ông Donald Trump. Ảnh: Reuters

Đó không phải là những lời hứa suông. Các tổng thống có quyền lực lớn về chính sách đối ngoại cũng như có thể đơn phương tham gia hoặc hủy bỏ nhiều thỏa thuận quốc tế.

"Tùy vào từng thỏa thuận khác nhau và tiêu chí hiện tại nhưng hầu như có rất ít thỏa thuận yêu cầu phải có sự chấp thuận của Quốc hội để rút khỏi", Jennifer Kavanagh, thành viên cấp cao và là Giám đốc phân tích quân sự tại Defense Priorities nói với Vox.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump theo đuổi chính sách đối ngoại mà ông gọi là "Nước Mỹ trên hết", theo đó, ông rút khỏi các thỏa thuận quốc tế lớn, phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, dùng lời lẽ gây hấn với đồng minh và cố gắng đàm phán với một số đối thủ của Mỹ.

Trong cuộc vận động tranh cử lần này, ông Trump đã cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực để thay đổi đáng kể hoặc cản trở các thỏa thuận quốc tế, bao gồm cả liên minh quân sự NATO, điều mà nhiều nhà quan sát cho rằng có thể làm suy yếu cơ bản vị thế của Mỹ trong trật tự toàn cầu.

Châu Âu được cho là đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump với một kế hoạch dự phòng để giải quyết việc ông không mặn mà với NATO, chính sách "Nước Mỹ trên hết" và cách tiếp cận thất thường của ông với xung đột.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị đẩy lùi mọi mối đe dọa tăng thuế quan và sẵn sàng có lập trường cứng rắn hơn khi nói đến ông Trump, Politico đưa tin vào tháng trước.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ như thế nào dưới thời ông Trump?

Chính sách đối ngoại "khó đoán" của ông Trump

Ông Trump có 4 năm kinh nghiệm trong vai trò là Tổng tư lệnh Mỹ nhưng bối cảnh địa chính trị năm 2024 đã rất khác so với bối cảnh mà ông trải qua năm 2016.

"Thế giới đã thay đổi đáng kể từ đó. Tình hình địa chính trị hiện nay còn nhiều bất ổn hơn so với 8 năm trước khi ông Trump trở thành tổng thống", Thomas Graham, Giám đốc cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush nhận định.

Bên cạnh cuộc xung đột Nga - Ukraine, tân tổng thống Mỹ cũng sẽ đối mặt với một cuộc xung đột tàn khốc ở Trung Đông khi Israel tiếp tục ném bom Gaza trong cuộc chiến chống lại Hamas với các nước láng giềng bị kéo sâu hơn vào giao tranh.

"Một điểm khác biệt lớn (so với năm 2016) là Mỹ hiện đã rút khỏi Afghanistan và đang cố gắng tránh leo thang các cuộc xung đột khác ở Trung Đông", Matthew Waxman - học giả cấp cao về luật và chính sách đối ngoại tại Hội đồng Đối ngoại đánh giá. Theo ông: "Mặc dù ông Trump thích đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhưng không rõ ông ấy sẽ tiếp cận hồ sơ Trung Đông như thế nào ngoài đường lối rất cứng rắn với Iran".

Ông Trump đã có những tuyên bố cứng rắn về các cuộc xung đột, bao gồm cả việc ám chỉ rằng ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine "rất nhanh chóng", song ông Graham cảnh báo không nên hiểu theo nghĩa đen bất kỳ lời cam kết nào về chính sách đối ngoại của ông Trump vào thời điểm hiện tại.

"Ông Trump là người khó đoán. Bạn không nên tin lời ông ấy nói, đặc biệt là về chính sách đối ngoại", ông Graham cho hay.

Theo ông: "Sẽ có rất nhiều sự không chắc chắn với ông Trump kể từ thời điểm ông ấy được tuyên bố là tổng thống đắc cử cho đến lễ nhậm chức và sau đó”.

Nguy cơ chiến tranh thương mại

Ông Donald Trump đã có những tuyên bố cứng rắn về thương mại trong một thời gian, hứa hẹn mức thuế cao hơn đối với hàng hóa sản xuất ở nước ngoài. Các chính sách bảo hộ của ông bao gồm mức thuế 100% đối với tất cả xe cộ nhập khẩu, 10% đối với hàng hóa nhập khẩu sản xuất ở nước ngoài và thậm chí đề xuất mức thuế 200% với ô tô từ Mexico.

Tuy nhiên, trong khi ông Trump đã cam kết mức thuế thương mại cao hơn để ngăn cản các công ty chuyển hoạt động ra nước ngoài hoặc thuê ngoài các khâu của chuỗi cung ứng thì nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Grantham về Môi trường và Biến đổi khí hậu tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London đã phát hiện ra rằng mức thuế được đề xuất sẽ dẫn đến việc GDP của Mỹ giảm 0,64%.

Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng, các quốc gia khác cũng sẽ chứng kiến mức giảm GDP nếu mức thuế được đề xuất được áp dụng, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại và làm xấu đi mối quan hệ với các quốc gia khác.

Chuyên gia Waxman cho biết "Mặc dù cả hai đảng đều đã rời xa tự do thương mại, nhưng ông Trump có nhiều khả năng sẽ leo thang chiến tranh thương mại hơn bà Harris".

Lập trường chỉ trích NATO

Ông Trump từ lâu đã chỉ trích NATO và gọi tổ chức này là "lỗi thời" trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình.

“Nhiều thập kỷ qua, lưỡng đảng Mỹ đều cho rằng các liên minh như NATO đóng vai trò trung tâm trong chính sách đói ngoại và an ninh quốc tế của Mỹ", ông Waxman nói, đồng thời cho rằng: "Ông Trump và nhiều người ủng hộ ông tại Quốc hội đã sai lầm khi coi các liên minh là lỗi thời và cản trở lợi ích của Mỹ".

Theo ông: "Một tổng thống như ông Trump có thể sẽ không chính thức rút khỏi các hiệp ước như một số người lo ngại, nhưng ông ấy sẽ làm suy yếu chúng".

Những lo ngại xung quanh mối quan hệ tương lai của ông Trump với NATO không phải là vô căn cứ khi đầu năm nay, ông Trump đã gợi ý rằng ông sẽ khuyến khích Nga hành động với các đồng minh NATO chưa đóng góp đủ lớn về mặt tài chính.

Chuyên gia Waxman đã miêu tả NATO là một yếu tố khác biệt lớn giữa ông Trump và bà Harris.

"Một vấn đề ưu tiên lớn cho thấy sự khác biệt giữa hai người là Ukraine và NATO, với việc bà Harris muốn tiếp tục duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ trong khi ông Trump lại muốn cắt giảm".

Cứng rắn về vấn đề nhập cư

Theo chuyên gia Waxman, ông Trump có thể sẽ "cứng rắn hơn nhiều về vấn đề an ninh biên giới và nhập cư". Ông Trump đã tìm được chỗ đứng vững chắc của mình trong nền tảng cử tri vào năm 2016 bằng cách cứng rắn về vấn đề nhập cư, sử dụng nhiệm kỳ đầu của mình để hạn chế nhập cư bất hợp pháp cũng như ban hành lệnh cấm đi lại gây tranh cãi với những người từ 7 quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi.

Ông cũng cam kết "xây dựng bức tường" dọc theo biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico và đây sẽ là dự án mà Mexico phải trả tiền. Tuy nhiên, nhiệm kỳ đầu tiên của ông chỉ xây dựng được một phần bức tường và Mỹ đã chi trả khoản tiền đáng kể, khoảng 15 tỷ USD - phần lớn trong số đó đến từ ngân sách quốc phòng.

Ông Trump đã không chú trọng nhiều đến bức tường trên trong cuộc bầu cử này. Dù vậy, tuyên bố mạnh mẽ của ông về vấn đề nhập cư bất hợp pháp vẫn không hề suy giảm. Ông Trump đã cam kết "đóng cửa biên giới và ngăn chặn cuộc xâm lược của người di cư", đồng thời "thực hiện hoạt động trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ".

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tây Ban Nha tuyên bố 3 ngày quốc tang
Giới chức Tây Ban Nha ngày 30/10 tuyên bố để tang ba ngày để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ lịch sử tại vùng Valencia, AFP đưa tin.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump sẽ lãnh đạo nước Mỹ thế nào trong nhiệm kỳ 2?