Pakistan cấm tất cả các hoạt động tổ chức ngày lễ này ở nơi công cộng cũng như việc đưa tin phản ánh về ngày lễ Tình yêu này do nó không nằm trong truyền thống Hồi giáo. Việc cấm này theo sau động thái tương tự ở Saudi Arabia.
(Ảnh: AP). |
Phán quyết trên do Tòa án Islamabad ban ra sau khi từng có một nỗ lực bất thành để cấm nghi lễ này vào năm 2016.
Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain hối thúc người Pakistan không tổ chức lễ Valetine 14/2, mà ông coi là một sản phẩm phương Tây đe dọa làm xói mòn các giá trị Hồi giáo.
Năm ngoái, ông từng tuyên bố: “Ngày lễ Valentine không có mối liên hệ nào với văn hóa của chúng ta. Cần phải tránh ngày lễ này”.
Tòa án trên đã gửi phán quyết lên các bộ ban ngành và chính quyền liên bang – họ sẽ phải phản hồi về phán quyết trong vòng 10 ngày.
Lễ hội Valentine đã trở nên phổ biến ở nhiều thành phố của Pakistan trong các năm gần đây, nhưng các nhóm tôn giáo thì lại lên tiếng chỉ trích ngày lễ này.
Phán quyết của tòa án Pakistan là nhằm đáp lại các lời kêu gọi của các cá nhân cho rằng lễ Valentine thúc đẩy sự vô đạo đức, thói trần truồng và sự thiếu đứng đắn dưới danh nghĩa tôn vinh tình yêu.
Ở cấp địa phương trong các năm trước đây đã có nhiều vụ cấm ngày lễ này.
Tuy nhiên việc triển khai các lệnh cấm trên phụ thuộc nhiều vào việc lực lượng cảnh sát có quyết tâm thực hiện hay không, đặc biệt là việc họ có để mắt tới các cửa hàng bán thiệp và quà Valentine.
Trước đó, ở Indonesia các sinh viên cũng đã biểu tình phản đối ngày lễ Valentine vì họ tin rằng nó khuyến khích việc quan hệ tình dục theo kiểu dễ dãi, lang chạ.
Các thanh thiếu niên ở thành phố Surabaya của Indonesia đã hô to khẩu hiệu “Nói không với tình dục”.
Trong khi đó ở Saud Arabia, cảnh sát tôn giáo đã cấm bán tất cả các hàng hóa liên quan đến ngày lễ Valentine, vào năm 2008.
Trung Hiếu/VOV