Theo dõi trên

Phân cấp mạnh về cơ chế và nguồn lực cho địa phương

30/10/2023, 19:11

BTO-Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều nay 30/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Tham gia góp ý, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông khẳng định: Lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Với khối lượng công việc rất lớn, nhưng Đoàn giám sát đã có cách làm phù hợp, khoa học nên kết quả giám sát cho thấy được bức tranh toàn diện về việc triển khai và kết quả bước đầu của 3 chương trình. Giám sát cũng đã thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong việc triển khai các chương trình đầy nhân văn và ý nghĩa này.

dbqh-nguyen-huu-thong-binh-thuan-.jpg
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, đối tượng thụ hưởng của 3 chương trình này hết sức đặc thù, đó là những nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn; đòi hỏi Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải sớm chăm lo.
Tuy nhiên, kết quả đem lại thời gian qua chưa được như mong muốn. “Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan, khách quan, trong đó có một số nguyên nhân chính. Trước hết, hệ thống khung pháp lý và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 của Trung ương và địa phương ban hành chậm, chưa đồng bộ hoặc đến nay vẫn chưa ban hành hướng dẫn. Theo báo cáo đến quý IV.2022, Trung ương mới cơ bản hoàn thành văn bản hướng dẫn, xin nhấn mạnh là mới cơ bản” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.

Đại biểu nêu ví dụ về việc áp dụng Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính có một số nội dung chưa được hướng dẫn chi; một số nội dung chi yêu cầu UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể mức hỗ trợ, nên đã ảnh hưởng đến quá trình lập dự toán và giải ngân vốn; đồng thời, không linh hoạt trong điều chỉnh phương án phân bổ, sử dụng vốn. Thông tư còn viện dẫn nhiều văn bản khác, dẫn đến khó khăn trong việc tra cứu, thực hiện, nhất là ở cấp cơ sở. Có địa phương phản ánh, để triển khai một nội dung công việc, cán bộ xã phải nghiên cứu, rà soát, đối chiếu, áp dụng hàng chục văn bản quy định và hướng dẫn của cấp trên.

Đối với quá trình triển khai Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng có một số khó khăn, vướng mắc. Để khắc phục, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27. Tuy nhiên, khi triển khai Nghị định số 38 lại tiếp tục phát sinh một số vướng mắc, như quy định UBND cấp xã xác nhận đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm; hay quy định “thanh toán, giải ngân vốn cho đại diện tổ nhóm cộng đồng, các bên liên quan theo tiến độ thực hiện tại hợp đồng ký kết với đại diện tổ nhóm cộng đồng”. Như vậy, khi tham gia dự án phương án sản xuất, dịch vụ của cộng đồng phải bỏ vốn để thực hiện trước, được nghiệm thu mới được thanh toán, trong khi người tham gia dự án là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tiền không có, kiến thức về kế hoạch, kế toán không có. Quy định trên khác gì đánh đố người dân!

Khẳng định nguyên nhân thứ hai xuất phát từ yếu tố con người, kể cả ở bộ, ngành và địa phương, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng: “Cơ chế, chính sách, quy định về trình tự thủ tục đều do các bộ, ngành Trung ương ban hành nhưng qua giám sát còn rất nhiều bất cập, không sát thực tế, thủ tục rườm rà, như chính phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại buổi thảo luận tổ ngày 25/10, rằng “Một rừng thủ tục như thế, vướng là phải thôi”. Mặt khác, đại biểu khẳng định Thủ tướng, các Phó Thủ tướng liên tục có văn bản chỉ đạo nhưng các bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chưa ngồi lại với nhau để tháo gỡ. Trong khi đó, người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội khó khăn nóng lòng chờ đợi những quyết sách đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống để được thụ hưởng, để thoát nghèo.

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát ban hành các cơ chế, chính sách thật đầy đủ và khả thi. Đồng thời, phân cấp mạnh về cơ chế và nguồn lực cho địa phương, những việc vốn dĩ là nhiệm vụ của địa phương, “Trung ương đi làm việc của xã, vướng là phải”, như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép HĐND cấp tỉnh được phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách Nhà nước của các chương trình chưa giải ngân hết trong năm 2023 để bảo đảm đủ nguồn lực cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện. Thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình.

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: 
Tăng ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân cấp mạnh về cơ chế và nguồn lực cho địa phương