Năm 2020 lao động ngành may giảm mạnh do thiếu nguyên liệu và đơn hàng. |
Đến đầu tháng 12/2020, toàn tỉnh có 757 doanh nghiệp (chiếm 47,7% tổng số doanh nghiệp) phải điều chỉnh giảm tham gia BHXH, BHYT cho hơn 20.590 lao động. Trong đó, có 8.416 lao động thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 11/12/2020; hơn 10.297 lao động nghỉ việc không hưởng lương; 1.877 lao động nghỉ hưởng chế độ BHXH; 9.009 trường hợp xác nhận sổ BHXH bảo lưu. Trong đó, các ngành có nhiều lao động ngừng tham gia BHXH là: Du lịch, khách sạn, nhà hàng có 8.407 lao động; ngành gia công giày dép, may mặc có 6.028 lao động; ngành vận tải 681 lao động; giáo viên mầm non ngoài công lập có 361 lao động…
Từ những khó khăn nói trên, công tác thu BHXH trong 11 tháng qua gặp rất nhiều khó khăn và thách thức; tỷ lệ thu thấp hơn 4,3% so với chỉ tiêu thu được giao 11 tháng (90%). Vì vậy, số nợ BHXH, BHYT, BHTN phải thu hơn 172.697 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 6,88% kế hoạch thu 2020; trong đó số tiền do ngân sách đóng và hỗ trợ mức đóng BHXH, BHYT cho các đối tượng là 55.972 triệu đồng, chiếm 32,4% tổng số nợ (do chưa đến kỳ ngân sách địa phương chuyển tiền).
Thời gian còn lại của năm 2020 không còn nhiều, ngành BHXH từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác đôn đốc thu nợ BHXH đảm bảo thu đúng, thu đủ. Tập trung lực lượng đôn đốc, thu nợ tại các đơn vị sử dụng lao động có tỷ lệ nợ từ 1 tháng trở lên, trong đó tập trung ở các đơn vị có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài. Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm pháp luật; tập trung thanh tra những đơn vị sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc kết luận sau thanh tra, kiểm tra, những đơn vị để nợ tồn đọng, kéo dài; phấn đấu thu BHXH, đạt 100% kế hoạch năm 2020 và kéo giảm nợ của các đơn vị, doanh nghiệp xuống dưới 2,51% so với kế hoạch thu.
Lê Thanh