Theo dõi trên

“Phan Thiết có anh tôi” - một bài thơ đong tràn cảm xúc

26/07/2019, 14:51

BT- Trong những ngày tháng bảy, tháng của tri ân, tôi chợt nhớ về bài thơ “Phan Thiết có anh tôi” của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Thành thật mà nói rằng: Tôi đã nhiều lần trào nước mắt khi đọc bài thơ này. Dẫu tôi không có anh trai ruột. Dẫu tôi chỉ là một cậu học sinh trong những ngày đất nước còn lửa khói. Trào nước mắt, bởi tôi bắt gặp ở đây những cảm xúc hết sức chân thật. Chân thật từ chính mối quan hệ ruột thịt của một người em với người anh đã hy sinh anh dũng trên chiến trường. Chân thật bởi những chi tiết được kể lại, sống động mà lại hết sức tình cảm, trong từng lời thơ.

Những chặng đường chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt của chiến trường Bình Thuận đã được tái hiện rõ mồn một dưới những dòng thơ của Hữu Thỉnh, như những lát cắt của những thước phim thời sự chiến trường:

“Để lại tấm chăn chiên cho đồng đội ở rừng,

Vừa ra viện anh tôi về Phan Thiết…

Như ngôi sao tìm cách sáng về đêm,

Những người lính đợi giờ đi lấy nước.

Họ lách qua những dãy đồi tháng chạp

Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi”.

Những lát cắt ấy của cuộc đời người lính, hy sinh trên chiến trường Phan Thiết, Bình Thuận, đã gợi cho những thế hệ sau rất nhiều điều:

Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, bao người con của nhiều miền khác nhau của đất nước, bất kể quê hương ở đâu, vùng núi hay miền biển, thành phố hay miền quê, đã chiến đấu không tiếc máu xương, hy sinh cả tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình; tất cả, đều vì nền độc lập của Tổ quốc, vì sự tồn vong của dân tộc.

Chúng ta biết rằng, nhà thơ Hữu Thỉnh quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, một tỉnh miền Trung du Bắc bộ. Ông đã từng là người lính ở bộ đội tăng - thiết giáp, nhiều năm ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Đường 9- Nam Lào, Quảng Trị, Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và cũng như người anh của mình, Nguyễn Xuân Đại, người lính - nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh đã từng sống giữa lòng cuộc chiến đấu của dân tộc.

Hình ảnh của người mẹ, người vợ vẫn tháng ngày mòn mỏi trông con, trông chồng, vẫn mãi nhớ về con, nhớ về chồng với những kỷ niệm, những kỷ vật thân quen hiện hữu trong từng lời thơ:

“Mẹ hay ốm kể từ khi trái gió,

Chị khuya một mình mang áo cũ ra khâu”.

Đọc những dòng thơ trên, người viết chợt nhớ về trường ca “Đường tới thành phố”, một trường ca nổi tiếng của Hữu Thỉnh, được ông cho ra mắt bạn đọc năm 1979. Trong đó có đoạn tác giả nhắc về người chị:

“Chị vẫn tin chữ “hợp” cuối trang Kiều

Hoa mai nở hai lần hoa có hậu.

Chị vẫn tin có mùa thu xanh đến cho cuốc kêu tháng sáu

Vẫn tin có ngày hái quả cho anh”…

Và tấm lòng người chiến sĩ nghĩ về người mẹ của mình:

“Ngày mai chúng mình tiến vào thành phố

Chẳng có cách chi báo tin cho mẹ

Mẹ đỡ lo, thấp thỏm đôi bề…

Cao trào của cảm xúc dâng lên ở nửa sau của bài thơ Phan Thiết có anh tôi, với 7 khổ thơ. Nhà thơ đã thật sự xúc động khi viết những dòng:

“Em đã qua những cơn sốt anh qua,

Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp.

Nhưng không ngờ có một trưa Phan Thiết,

Em một mình đứng khóc ở sau xe”.

Tiếc nuối vô vàn. Phải chi mà có thể khác đi! Tiếc nuối là tâm trạng thật, cũng là lẽ thường tình! Nhưng phải chấp nhận thực tế. Một thực tế dù nghiệt ngã, đau thương. Nhà thơ đã lắng lòng để đưa người đọc từ những cảm xúc tiếc nuối đến hình ảnh những sắc màu thăm thẳm của miền quê biển mà người anh thân yêu của mình đã chiến đấu và hy sinh nơi ấy.

Và rồi, hình bóng của người anh đã trở đi trở lại với 4 khổ thơ cuối của bài thơ. Có lẽ, với Hữu Thỉnh, Phan Thiết, Bình Thuận sẽ còn gắn bó với anh dài lâu, và cũng có thể là mãi mãi. Khi mà, mảnh đất ấy, những ngày đã qua có sự hiện diện, chịu nhiều gian khổ, chiến đấu của người anh trai Nguyễn Xuân Đại; và những ngày hiện nay, đâu đó, trong đất, trong trời Phan Thiết, Bình Thuận, vẫn có hình ảnh, máu thịt của anh ruột mình, dẫu người anh ấy đã hy sinh từ tháng chạp năm 1972.

Tôi rất đồng ý với nhà giáo Đặng Ngọc Hùng khi anh viết: “Phan Thiết có anh tôi là sự hòa kết nhuần nhị giữa “sử thi” và “trữ tình”; là một bài thơ hay, theo tôi, về chiến tranh, phần nào về quê hương Phan Thiết, Bình Thuận thân yêu”.

 Tôi đã có những cảm xúc rất lạ, vừa gần gũi, vừa ấm nồng, như gặp một người thân trên mảnh đất của quê mình, khi đọc những dòng thơ:

“Tiếng còi xe thưa thớt bước vào đêm.

Đèn thành phố soi người đi câu cá.

Anh không ngủ, người đi câu không ngủ,

Biển đêm đêm trò chuyện với hai người.

Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi”…

Toàn bài thơ là những dòng tự sự của tác giả, kể về người anh, cũng là kể về những người lính với những hiện thực khốc liệt của chiến trường Phan Thiết, Bình Thuận những năm chống Mỹ. Với tôi, tràn ngập cảm xúc, chân thật như chưa khi nào chân thật đến thế, chính là thông điệp mà Hữu Thỉnh đã đem đến với người đọc qua bài thơ “Phan Thiết có anh tôi”. Không quá hoa mỹ, không lắm cầu kỳ, bài thơ vẫn sống mãi trong lòng những bạn đọc Bình Thuận và hy vọng rằng trong lòng bạn đọc ở những miền khác nhau của đất nước, khi nhớ về những tháng ngày khói lửa đạn bom của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã qua.

    
  

  Hữu   Thỉnh

  

  Phan   Thiết có anh tôi

  

  Anh   không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ,

  

  Đồi thì   rộng, anh không mô đất nhỏ,

  

  Đất và   trời Phan Thiết có anh tôi.

  

  

  

  Để lại   tấm chăn chiên cho đồng đội ở rừng,

  

  Vừa ra   viện anh tôi về Phan Thiết.

  

  Bảy lon   ngô thêm vết thương phục kích,

  

  Anh tôi   về làm người lính giáp ranh.

  

  

  

  Chính ở   đây anh thấy biển lần đầu

  

  qua cửa   hầm

  

  sau   những ngày vượt dốc.

  

  Biển thì   rộng, căn hầm quá chật,

  

  Khẽ trở   mình cát đổ trắng hai vai.

  

  

  

  Trong   căn hầm, mùi thuốc súng, mồ hôi,

  

  Tim anh   đập không sao kìm lại được.

  

  Gió nồng   nàn hơi nước,

  

  Biển như   một con tàu sắp sửa kéo còi đi.

  

  

  

  Đã giành   giật sang ngày thứ bảy,

  

  Trận   đánh tiến theo mũi xẻng dũi hầm.

  

  Như ngôi   sao tìm cách sáng về đêm,

  

  Những   người lính đợi giờ đi lấy nước.

  

  Họ lách   qua những dãy đồi tháng chạp,

  

  Trong   đoàn người dò dẫm có anh tôi.

  

  

  

  Biển ùa   ra xoắn lấy mọi người,

  

  Vì yêu   biển mà họ thành sơ hở.

  

  Những   trái tim đập ở ngoài công sự,

  

  Nói bao   điều khi biển vẫn còn non.

  

  

  

  Lũ B.52   kéo đến bất thần,

  

  Anh tôi   chết với hai người cùng tổ.

  

  Mẹ hay   ốm kể từ khi trái gió;

  

  Chị   khuya một mình mang áo cũ

  

                                          ra khâu…

  

  

  

  Tôi trở   về Phan Thiết bốn năm sau.

  

  Dãy đồi   ấy cây vừa xanh trở lại.

  

  Anh ở   đây thế mà em tìm mãi,

  

  Thung   lũng Sa Thầy, Tân Cảnh, Đắc Tô.

  

  

  

  Em đã   qua những cơn sốt anh qua,

  

  Em đã   gặp trận mưa rừng anh gặp.

  

  Nhưng   không ngờ có một trưa Phan Thiết,

  

  Em một   mình đứng khóc ở sau xe.

  

  

  

  Dãy đồi   còn kia, trận mạc còn kia,

  

  Vài bước   nữa là tới đường số Một,

  

  Vài bước   nữa

  

                thế mà

  

                không thể khác

  

  Biển màu   gì thăm thẳm lúc anh đi.

  

  

  

  Dãy đồi   kia em chưa biết tên gì,

  

  Nhưng em   biết ngày ngày anh vẫn đứng.

  

  Gió đưa   lại mùi tôm phơi cá nướng,

  

  Khói   xông cay xóm dưới hun thuyền.

  

  

  

  Tiếng   còi xe thưa thớt bước vào đêm,

  

  Đèn   thành phố soi người đi câu cá.

  

  Anh   không ngủ, người đi câu không ngủ,

  

  Biển đêm   đêm trò chuyện với hai người.

  

  Cứ thế   từng ngày Phan Thiết có anh tôi.

  

  

  

  Thủy   triều rút để lại bờ muối trắng.

  

  Sinh ở   trung du anh về bên biển mặn,

  

  Biển ru   anh một nửa tự ru mình.

  

  

  

  Ngày anh   đi dưa hấu vẫn còn xanh.

  

  Nay dưa   chín. Xe kéo đoàn đến chở.

  

  Về Phan   Thiết bổ trái dưa mùa hạ,

    Gặp lời   chào ngọt thắm của anh tôi.

Thế Thuật



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Phan Thiết có anh tôi” - một bài thơ đong tràn cảm xúc