Còn vướng mắc
Ngay sau khi Thông tư liên tịch số 05/2015 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực, UBND TP. Phan Thiết quyết liệt triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động thực hiện theo thông tư.
Cụ thể, hàng năm đều tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật và cử cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch đi dự các lớp tập huấn nghiệp vụ do tỉnh tổ chức, bố trí kinh phí nhân lực cho việc triển khai thông tư. Ngoài ra đầu tư trang thiết bị, bố trí cán bộ, công chức và tăng cường mối quan hệ phối hợp để thực hiện có hiệu quả việc liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay 18/18 phường, xã đã được trang bị máy tính, máy in phục vụ riêng cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
Tuy vậy, theo Phòng Tư pháp TP. Phan Thiết, 2 nhóm TTHC trên, triển khai trên địa bàn hiện đã liên thông toàn bộ, chỉ còn lại hai thủ tục: Trợ cấp mai táng và hỗ trợ chi phí mai táng thì chưa. Nguyên nhân do bộ phận một cửa phường, xã chuyển hồ sơ liên thông hỗ trợ chi phí mai táng lên bộ phận một cửa thành phố, nhưng bộ phận này không tiếp nhận được để chuyển đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND thành phố ra quyết định hỗ trợ kinh phí mai táng cho các đối tượng. Do ngành lao động thương binh chưa tích hợp liên thông hai thủ tục này, nên hiện các phường, xã phải chuyển riêng lẻ đến một cửa thành phố để kịp thời giải quyết cho người dân.
Thiếu nhân lực
Việc liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính trên mang lại hiệu quả cao trong cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, quản lý tốt về hộ tịch và cư trú, giúp cho người dân giảm thời gian đi lại, giao dịch với các cơ quan khác nhau, giúp tinh giản được đội ngũ biên chế nhà nước...
Tuy nhiên trên thực tế khi triển khai mới thấy khó, bởi người dân đâu phải ai cũng ứng dụng công nghệ thông tin như nhau. Nhiều người trong số họ còn chưa có điện thoại thông minh, chỉ sử dụng điện thoại “cục gạch” thì không thể nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, nên cán bộ công chức phải làm thay mỗi khi người dân mang hồ sơ đến. Chưa kể việc điều chỉnh thông tin sai sót trong quá trình tạo tài khoản trên cổng dịch vụ... Với khó khăn là vậy, nhưng cán bộ, công chức phục vụ công tác này lại thiếu, chưa phù hợp với mật độ dân số trên địa bàn xã, phường. Chẳng hạn, phường Mũi Né có hơn 30 ngàn dân, nhưng cán bộ, công chức phục vụ công tác Tư pháp - Hộ tịch chỉ có 2 người.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác Tư pháp năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Nguyễn Nam Long cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 2 nhóm thủ tục này, nhất là về thiếu nhân lực. Hiện tổng số công chức Tư pháp – Hộ tịch 18 phường, xã trên địa bàn thành phố có 35 công chức, trong đó có phường, xã có 2 công chức, thậm chí có phường chỉ 1 công chức, như phường Thanh Hải, khi một người đã chuyển qua vị trí công tác khác.
Để 2 nhóm thủ tục trên hoạt động thông suốt, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, địa phương đã ban hành Công văn số 160 về việc tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch phường, xã. Trong đó, chỉ đạo UBND các phường, xã bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện đúng nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực Tư pháp. Chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp và UBND các phường, xã tham mưu UBND thành phố củng cố đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch phường, xã đủ số lượng. Thực hiện việc tuyển dụng, bố trí người đảm nhận công tác có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 112 của Chính phủ quy định về công chức xã, phường, thị trấn...