Đề xuất “táo bạo”, lấy viện trợ kinh tế đổi lấy phi hạt nhân hóa Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc, được lên ý tưởng ngay khi nhậm chức và vừa được nhắc lại nhân dịp đánh dấu 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Theo đề xuất này, Hàn Quốc sẽ viện trợ kinh tế cho Triều Tiên theo từng giai đoạn, nếu Bình Nhưỡng chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân và bắt đầu phi hạt nhân hóa. Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh, bất kỳ những cuộc đối thoại liên Triều nào cần là các cuộc đàm phán thực chất, thay vì “biểu diễn”:
“Bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, hoặc các cuộc đàm phán giữa các quan chức hai nước không nên là một màn biểu diễn chính trị, mà phải góp phần thiết lập hòa bình thực chất trên Bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á. Đảm bảo an ninh cho chính phủ Triều Tiên không phải là điều mà chính phủ của chúng tôi có thể cung cấp, nhưng chính phủ của chúng tôi và tôi không muốn có sự thay đổi bắt buộc nào đối với hiện trạng hiện nay. Điều quan trọng nhất là thiết lập hòa bình bền vững”.
Tuy nhiên, đề xuất của Hàn Quốc không được phía Triều Tiên đón nhận đúng như dự báo của giới phân tích. Sáng nay, bà Kim Yo Jong, quan chức cấp cao Triều Tiên, đồng thời là em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết, nước này sẽ không thỏa hiệp với sáng kiến “táo bạo” về chương trình hạt nhân Triều Tiên từ phía Hàn Quốc.
Bà Kim Yo Jong cho rằng, một kế hoạch như vậy là chưa thực tế, thiếu hiểu biết và “còn lâu” mới thành hiện thực. Bà cũng nhấn mạnh, chiến lược hạt nhân là cốt lõi của Triều Tiên; đồng thời đặt ra nghi vấn về hành động tiếp theo của Hàn Quốc nếu kế hoạch táo bạo của Hàn Quốc “không thành công”. Bà cho rằng, việc tuyên bố muốn tổ chức các cuộc đối thoại bên cạnh việc đẩy mạnh tăng cường khả năng răn đe với Triều Tiên của Hàn Quốc là sự thiếu chân thành.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, đề xuất “táo bạo” mà Tổng thống Hàn Quốc đưa ra “không có quá nhiều khác biệt” so với các đề xuất của các lãnh đạo nước này trước đó. Thậm chí nó còn rất giống với những vấn đề được nêu ra tại các cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều, liên Triều gần đây nhất, song đã thất bại. Điều đó là lý do họ cho rằng Triều Tiên “khó chấp nhận đề xuất này”.
Hôm qua (18/8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng đã đưa ra phản ứng trước đề xuất của Hàn Quốc với Triều Tiên. Theo ông, Mỹ nhận thấy sự cần thiết của việc thực hiện “các bước tăng dần” với Triều Tiên để phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Ông Price cũng nhấn mạnh có những biện pháp thiết thực có thể thực hiện để thúc đẩy mục tiêu chung về Triều Tiên, trong đó Hàn Quốc – Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác trong vấn đề này.
Tuyên bố của các bên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa lâm vào bế tắc trong nhiều năm. Từ đầu năm nay, Triều Tiên đã phóng hơn 30 tên lửa trong 18 vụ phóng. Mới đây nhất, sáng 17/8, Triều Tiên cũng đã phóng 2 tên lửa hành trình – đúng dịp nước này tuyên bố chiến thắng đại dịch Covid-19 và Hàn Quốc đánh dấu 100 ngày cầm quyền của chính phủ mới./.