Theo dõi trên

Pháo hoa, pháo hoa nổ

23/02/2021, 09:02

BT- Đêm giao thừa đón năm Tân Sửu, người dân trong TP. Phan Thiết nghe tiếng pháo nổ đì đùng ở chỗ này, nơi kia. Tổng kết tình hình an ninh trật tự 7 ngày tết qua, Công an Phan Thiết thống kê đã bắt 17 vụ với 17 đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, thu giữ 82 cây pháo giấy, 28 ống pháo đã qua sử dụng và 23 ống pháo chưa qua sử dụng. Đồng thời xử phạt 9 trường hợp với tổng số tiền 13,5 triệu đồng. Trong khi đó, ở thị xã La Gi, con số mà Công an thị xã La Gi báo cáo là đã bắt 13 vụ đốt pháo nổ. Còn ở một số huyện khác như Hàm Tân, Bắc Bình, Tánh Linh… chỉ tổng vài vụ đốt pháo thưa thớt, không đáng kể. Ở những nơi không có hoặc có ít tiếng pháo nổ đêm giao thừa, nhiều người cho rằng năm qua không có thu nhập gì đột biến dịp tết nên người dân không phí tiền đi đốt pháo. Thật lạ, tự dưng từ chuyện đốt pháo, người ta lại nghĩ ra chuyện làm ăn được và mất trong năm. Nhưng...

Lệnh cấm đốt pháo đã diễn ra nhiều năm qua, các công ty, cơ sở làm pháo trong nước đã giải nghệ từ ngay lúc đầu cấm ấy. Đến tháng 11/2020, Nghị định 137 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo ra đời, trong đó có nội dung cho đốt pháo nhưng là pháo hoa không nổ; còn pháo hoa mà nổ thì cấm. Đồng thời đó, báo chí cũng thông tin 1-2 công ty thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất loại pháo hoa không nổ trên. Nhưng 2-3 chi nhánh, đại lý của công ty này hầu hết nằm ở các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, ngay tại Bình Thuận muốn mua được pháo hoa không nổ cũng không đơn giản. Trong khi đó, trên mạng xã hội, có rao bán pháo hoa, tức pháo hoa nổ, hầu hết được sản xuất từ Trung Quốc. Cộng thêm, một số xe container chở thanh long của Bình Thuận đi về từ vùng biên giới phía Bắc nên cũng có thể mua giùm mang về để đốt pháo. Đó là lý do vào đêm giao thừa, pháo hoa nổ tại thành phố, thị xã, thị trấn. Nhưng điều đáng chú ý, khi lực lượng chức năng đến bắt và xử phạt hành vi đốt pháo nổ, hầu hết người vi phạm đều tuân thủ nộp phạt và đều nói 1 chữ: Nhầm! Với lý do làm sao phân biệt được loại nào là pháo hoa không nổ, pháo hoa nổ?

Suốt trong tháng 12/2020, tháng 1/2021, lực lượng chức năng trong tỉnh đã  tuyên truyền trong dân để phân biệt điều ấy. Theo đó, pháo hoa được phép sử dụng  là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây tiếng nổ. Còn pháo hoa nổ, cấm sử dụng là pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian, gọi là pháo hoa nổ. Thêm nữa, còn nhấn mạnh là sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng.

 Và rồi tết đến rất nhanh, thông tin tết năm nay được đốt pháo qua tai của một số người tất bật với tết, có lẽ không đầy đủ nên đã xảy ra tình cảnh vi phạm và phải nộp phạt đầu năm mới, chỉ vì tiếng pháo. Nhưng điều đáng nói, qua đó sẽ có nhiều người thận trọng hơn khi sử dụng pháo hoa. Vì bây giờ đâu chỉ dịp tết, trong các trường hợp khác như lễ, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong các hoạt động văn hóa văn nghệ đã được phép sử dụng pháo hoa không nổ.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháo hoa, pháo hoa nổ