Nông dân phát triển kinh tế (ảnh tư liệu). |
Hỗ trợ các mô hình kinh tế
Hiện nay đời sống của một bộ phận nông dân vẫn còn rất khó khăn và càng khó khăn hơn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này đặt ra nhiều bài toán về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, chăm lo đời sống nông dân. Chính vì vậy, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi hiện đã và đang được các cấp hội triển khai rộng khắp và được sự quan tâm các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Ngay từ đầu năm, có 124/124 cơ sở hội, 10/10 huyện, thị, thành hội tổ chức phát động và giao chỉ tiêu phấn đấu. Toàn tỉnh có 99.750 hộ hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào có nhiều tấm gương nông dân từ cuộc sống khó khăn nhưng cần cù, chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập cao, cuộc sống vươn lên khá, giàu.
Ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông tỉnh đánh giá: Nhiều hộ nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư chăm sóc cây thanh long, trồng lúa xác nhận, chăn nuôi bò, cuộc sống từ khó khăn đã vươn lên. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp phối hợp với các ngành kỹ thuật tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới. Tổ chức cho nông dân tham quan học tập các mô hình để áp dụng vào sản xuất. Đơn cử tại huyện Đức Linh, thời gian qua Hội Nông dân huyện tiếp tục thực hiện liên kết giữa hộ kinh doanh với các hộ chăn nuôi vịt để bao tiêu sản phẩm, liên kết với HTX Măng tây An Xuân, tỉnh Ninh Thuận phát triển mô hình trồng măng tây ở xã Đông Hà… Tuy vậy, thực tế thời gian qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và tham gia xây dựng nông thôn mới vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. Hơn hết là thiếu các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân.
Hoạt động hướng về cơ sở
Với phương châm hoạt động hội hướng về cơ sở, từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Hội Nông dân các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát với 16 nội dung, tập trung vào những vấn đề quan tâm, bức xúc của nông dân, trong phạm vi quy định. Trọng tâm là các chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Phát huy vai trò nòng cốt, hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh cho biết, trong năm 2022, một trong những nhiệm vụ Hội đề ra là tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tập trung liên kết các ngành, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất…
Trong buổi làm việc với Thường trực Hội Nông dân tỉnh vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh cũng nhấn mạnh, Bình Thuận là tỉnh có tỷ lệ nông dân còn khá lớn, trong đó bộ phận lớn nông dân có cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, vai trò Hội Nông dân các cấp trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải bám sát thực tiễn, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Từ đó, có giải pháp phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác Hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh tập trung đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Hội hướng về cơ sở. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân để kịp thời phản ánh cấp có thẩm quyền giải quyết. Tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan triển khai thêm các chương trình hỗ trợ nông dân. Đồng thời khuyến khích nông dân tương trợ, giúp đỡ, trao đổi, hướng dẫn lẫn nhau về cách sản xuất hiệu quả, tiết kiệm, đạt năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, các cấp Hội cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân…
K.Hằng