Theo dõi trên

Phát triển công nghiệp Bình Thuận: Tạo động lực thúc đẩy kinh tế vươn lên

25/11/2021, 06:34

BT- Công nghiệp Bình Thuận trong những năm qua tiếp tục cho thấy nét khởi sắc, cơ cấu nội bộ ngành cũng chuyển dịch đúng định hướng và từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh... Trong chặng đường 10 năm tới, địa phương sẽ tập trung phát triển công nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vươn lên.

Công nghiệp năng lượng là lĩnh vực khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương (ảnh minh họa).

Tín hiệu tích cực

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (GRDP) trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 18,33%/năm so chỉ tiêu đề ra 9,5%/năm, đến năm 2020 tỷ trọng của ngành chiếm 29,13% tổng sản phẩm nội tỉnh so chỉ tiêu đề ra là 24,5%. Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tính riêng trong năm vừa qua đã đem về cho địa phương kim ngạch đạt hơn 400 triệu USD, vượt xa chỉ tiêu đề ra là 300 triệu USD... Đây là một số kết quả nổi bật được ghi nhận qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08, ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Trong giai đoạn này, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án năng lượng tái tạo với 30 nhà máy điện mặt trời và điện gió đưa vào vận hành phát điện thương mại. Cùng thời gian, toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư hạ tầng và thu hút gần 90 dự án (có 29 dự án FDI), trong đó hơn 60 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung chủ yếu ở những ngành nghề: Gia công - sản xuất giày dép, bao bì carton, các sản phẩm nội thất từ gỗ, giấy dính cao cấp xuất khẩu, bảo quản và đóng gói trái thanh long, chế biến nước mắm...

Với ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất các loại nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng thì ngoài dự án sản xuất bửng ô tô (Khu công nghiệp Phan Thiết), đến nay thu hút thêm dự án Nhà máy dây khóa kéo KaoShing tại Cụm công nghiệp Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc). Ngoài ra có một số dự án sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng đăng ký đầu tư vào Cụm công nghiệp Đông Hà (Đức Linh) và Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa (Hàm Tân)… Riêng công nghiệp khai thác, chế biến quặng sa khoáng titan, địa phương cũng chuẩn bị các điều kiện hình thành 2 khu vực chế biến quy mô lớn tại Khu công nghiệp Sông Bình, huyện Bắc Bình và 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Tân.

 Khẳng định trụ cột

Với điều kiện và một số lợi thế của địa phương, ở chặng đường mới Bình Thuận hướng tới đưa công nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế vươn lên bền vững. Trong đó sẽ chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp vật liệu mới...

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp để cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng (GRDP) của ngành công nghiệp chiếm 33,74% tổng sản phẩm nội tỉnh và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt 535 triệu USD. Còn đến năm 2030, phấn đấu nâng tỷ trọng (GRDP) của ngành công nghiệp chiếm 36% tổng sản phẩm nội tỉnh, đối với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt 755 triệu USD.

Để khẳng định công nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế, địa phương sẽ chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các phương án phát triển hạ tầng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch. Xác định cụ thể những sản phẩm công nghiệp có lợi thế phát triển, có thị trường tiêu thụ, tạo giá trị gia tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong nội bộ ngành. Trên cơ sở đó tập trung thu hút đầu tư phát triển đem lại hiệu quả, nhất là về lĩnh vực: Công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp phụ trợ hoặc các ngành công nghiệp khác.

Hướng tới giai đoạn mới, Bình Thuận cũng tính đến định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thông minh, công nghiệp phần mềm nhằm đặt ra nền tảng hình thành trong tương lai. Gắn với đó là thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp tại địa phương.

Khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

Với công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn Bình Thuận, tới đây sẽ thu hút các dự án mới và phải chế biến sâu, đẩy mạnh xuất khẩu tạo ra giá trị gia tăng. Đồng thời địa phương cũng tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết để hình thành Trung tâm chế biến sâu quặng sa khoáng titan gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tiếp tục phối hợp các bộ, ngành Trung ương làm tốt công tác xúc tiến, mời gọi những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường để khai thác, chế biến sâu sa khoáng titan...

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển công nghiệp Bình Thuận: Tạo động lực thúc đẩy kinh tế vươn lên