Theo dõi trên

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển

06/09/2024, 10:56

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã phối hợp mở rộng, thực hiện lồng ghép nội dung nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Đồng thời chú trọng bố trí quy hoạch, sắp xếp, bố trí kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, khu công nghiệp tập trung, vùng du lịch, đô thị ven biển, hiện đại tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư.

cang-la-la-gi-1-.jpg.jpg
Cảng cá La Gi. Ảnh: tư liệu Ngọc Lân

Kinh tế biển là sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Trong đó, biển chủ yếu đóng vai trò vùng khai thác nguyên liệu, là môi trường cho các hoạt động vận tải, du lịch biển. Còn toàn bộ hoạt động sản xuất và phục vụ khai thác biển lại diễn ra trên dải đất liền ven biển. Do vậy, khi nói đến kinh tế biển không thể tách vùng biển với vùng ven biển và ngược lại. Từ đó đã chỉ ra các hoạt động kinh tế biển và không gian của kinh tế biển gồm 2 bộ phận là không gian biển và không gian dải đất liền ven biển. Đối với Bình Thuận, kinh tế vùng ven biển là các hoạt động kinh tế ở dải ven biển, có thể tính theo địa bàn các xã, huyện đến tỉnh có biên giới đất liền tiếp giáp với biển, bao gồm các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Chính vì thế, trong những năm qua tỉnh Bình Thuận đã tìm kiếm mô hình và giải pháp theo quan điểm bền vững để khả thi hóa tiềm năng của các đô thị ven biển. Bởi vì vùng biển của tỉnh dài và có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, bãi biển đẹp, thời tiết ôn hòa, đây chính là những tiềm năng để phát triển kinh tế biển của tỉnh. Tiềm năng và thực tế đó đang tạo nền tảng, cơ hội cho tỉnh từng bước trở thành tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát triển, phát huy toàn diện các ngành nghề biển một cách phù hợp, với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển theo hướng nhanh, bền vững và hiệu quả. Hiện nay, số dân cư sống ở các vùng ven biển của tỉnh khá đông chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản, chế biến hải sản, dịch vụ và du lịch... Nhiều khu nghỉ dưỡng đã hình thành dọc theo chiều dài ven biển của tỉnh, tuy vậy những kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu. Để tỉnh Bình Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu vì biển thì phải khai thác triệt để thế mạnh ở tất cả các địa phương ven biển. Một trong những trọng tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế biển trong thời gian tới đó là: Tiếp tục phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên ngành. Chính vì thế thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng cảng biển La Gi, Sơn Mỹ, đầu tư nâng cấp cảng vận tải Phan Thiết, nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các cửa sông, cửa biển. Quản lý, khai thác có hiệu quả cảng Phú Quý, Vĩnh Tân, Phan Thiết, đầu tư, phát triển đội tàu vận chuyển khách từ đất liền ra đảo Phú Quý. Đồng thời tiếp tục triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến năm 2045, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn. Kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh và trở thành tỉnh có nền kinh tế mạnh về biển, làm giàu từ biển. Để thực hiện mục tiêu đó tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin về biển, đảo nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá vị thế, tiềm năng của biển nước ta nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng, chú trọng việc quảng bá thương hiệu sản phẩm có lợi thế của địa phương nhằm thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch biển, đảo tại tỉnh. Bên cạnh đó từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng ven biển và hải đảo, bao gồm cảng biển, sân bay, đường giao thông, các tuyến luồng hàng hải, nhằm kết nối các trung tâm phát triển ven biển với cả nước. Chú trọng đầu tư, nâng cấp các tuyến đường phục vụ cho phát triển kinh tế biển vốn là thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, ưu tiên đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá theo quy hoạch. Đồng thời liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế biển với các ngành, lĩnh vực liên quan, như đào tạo, dạy nghề, ứng dụng khoa học - công nghệ gắn kết phát triển các ngành kinh tế biển với phát triển các trung tâm kinh tế biển, doanh nghiệp.

cang-ca.jpg
Ảnh tư liệu

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, ưu tiên kết hợp phát triển điện gió và du lịch vùng biển Tuy Phong, Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Quý, Kê Gà, Hàm Tân, La Gi… đưa tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đồng thời nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ gắn với đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hàng hải. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động hoa tiêu, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ khác nhằm thu hút các hãng vận tải, đoàn tàu cập bến tại các cảng của tỉnh Bình Thuận.

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cảnh sát biển luôn là điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển
Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển ký kết chương trình phối hợp để triển khai thực hiện chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên cơ sở phát triển từ mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển