Trong nền kinh tế thị trường, dịch vụ logistics thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong kết nối và hợp tác, đây cũng là yếu tố không thể thiếu trong sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để nâng cao hiệu quả của các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở mọi lĩnh vực… Với tình hình thực tế và điều kiện hiện nay, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 trên địa bàn Bình Thuận. Theo đó địa phương sẽ tập trung thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn. Bên cạnh hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm “hiện đại, chuyên nghiệp” nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường và ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics… Bình Thuận cũng định hướng trở thành trung tâm phát triển dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các tỉnh lân cận.
Phát triển dịch vụ logistics đang được nhiều địa phương coi trọng (Ảnh minh họa từ Internet). |
Thời gian tới, việc triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics tại Bình Thuận sẽ được quan tâm thực hiện. Nhất là về hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi như xây dựng Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm và Sân bay Phan Thiết… Về vấn đề phát triển thị trường, tỉnh cũng tính đến giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics, thu hút nguồn hàng xuất nhập khẩu qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và ngược lại. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn liên doanh, liên kết tạo sức mạnh để triển khai, phát triển dịch vụ logistics lẫn mở rộng tầm hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngoài ra Bình Thuận cũng khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến. Có thể kể đến ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy sản… mà trong đó sẽ chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới trong logistics. Song song đó từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như những ngành dịch vụ khác. Về công tác đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực thì xúc tiến đào tạo ngành logistics (trình độ cao đẳng trở xuống), kịp thời đáp ứng nhu cầu cho địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở trong tỉnh đào tạo hoặc liên kết đào tạo (trình độ đại học, sau đại học) về ngành logistics, quan tâm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, chuyên ngành logistics và dành chỉ tiêu thích hợp cho ứng viên Đề án 100 - giai đoạn 2 đi đào tạo đại học, sau đại học ngành logistics ở nước ngoài…
Logistics là thuật ngữ chuyên ngành và từ tiếng Việt có nghĩa gần nhất là “hậu cần”. Hiểu đơn giản nhất, logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng... Bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất nào cũng phải quan tâm và có chiến lược logistics phù hợp. Một chiến lược logistics tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc hiệu quả. Ngày nay, logistics cũng là một trong những điểm mạnh, giúp phát huy lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. |
Đ.QUỐC