Theo dõi trên

Phát triển dịch vụ logistics: Tạo thuận lợi bình đẳng cho doanh nghiệp

02/11/2018, 08:36

BT- Ở lĩnh vực này, Bình Thuận đặt mục tiêu phát triển thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại, hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin. Đồng thời địa phương cũng hướng đến phát triển dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong lẫn ngoài nước. Qua đó sẽ từng bước hoàn chỉnh, kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông, tăng cường các dịch vụ nhằm giảm chi phí logistics trên địa bàn Bình Thuận…

                
Vĩnh Tân (Tuy Phong) - vị trí thuận lợi để    thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics.

Thực tế tại địa phương, hiện đã có doanh nghiệp là Công ty TNHH VITACO (TP. Phan Thiết) đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư dự án Trung tâm Logistics Bình Thuận vào cuối tháng 8/2018 vừa qua. Với tổng vốn đầu tư gần 110 tỷ đồng, dự án sẽ triển khai nhiều hạng mục công trình tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong để phục vụ trực tiếp cho các hoạt động hỗ trợ liên quan đến vận tải và dịch vụ hỗ trợ khác. Bao gồm: Khu dịch vụ hậu cần và dịch vụ phụ trợ khác (gần 75.000 m2), bãi container và Depot (hơn 24.700 m2), kho ngoại quan (khoảng 65.100 m2), bãi chứa hàng rời (hơn 24.000 m2). Trong đó việc đầu tư hệ thống kho ngoại quan được kỳ vọng giúp tăng khả năng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần phát triển lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển, dịch vụ cảng biển và phát triển các khu công nghiệp ở địa phương. Còn với bãi chứa container, bãi hàng rời và bãi chứa phương tiện sẽ giúp giải phóng hàng hóa nhanh chóng, giảm tải cho khu vực cảng biển, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Riêng khu dịch vụ hậu cần logistics và dịch vụ phụ trợ thì kết nối, lưu thông hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, đường biển được thông suốt cũng như thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại trong nước lẫn quốc tế.

Sắp tới, Bình Thuận cũng tích cực triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có dành quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, cảng cạn, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia để từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. Căn cứ định hướng phát triển và điều kiện thực tế hiện nay, địa phương sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống logistics.

Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 trên địa bàn Bình Thuận. Theo đó tập trung thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh... Để phát triển thị trường dịch vụ logistics, địa phương còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics, thu hút nguồn hàng xuất nhập khẩu qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và ngược lại. Cùng với đó là khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó tạo sức mạnh trong triển khai, phát triển dịch vụ logistics và mở rộng tầm hoạt động của các doanh nghiệp…

    
  

  Nỗ lực   hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics

  

  Logistics   là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng   gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được   mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay   người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

     Để hoàn   thiện kết cấu hạ tầng logistics, thời gian tới Bình Thuận sẽ tiến hành   rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát   triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải   pháp để cải thiện môi trường đầu tư cũng như khuyến khích, thu hút đầu   tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải,   hạ tầng kho bãi, ứng dụng mới trong logistics. Đồng thời xây dựng Cảng   tổng hợp Vĩnh Tân đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, phục   vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và các tỉnh thuộc khu vực   Nam Trung bộ, Tây nguyên. Theo dự kiến tiến độ thực hiện, Bình Thuận hy   vọng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Vĩnh   Hảo - Cam Lâm có thể kịp thông xe vào năm 2020…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển dịch vụ logistics: Tạo thuận lợi bình đẳng cho doanh nghiệp