Theo dõi trên

Phát triển hơn nữa công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản

22/02/2020, 09:58

BTO- Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Ở đầu cầu UBND tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa và các sở, ngành liên quan.

                
      Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa chủ trì đầu cầu Bình Thuận.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của cả nước đã có những bước phát triển. Đó là đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm; cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Vì thế, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Riêng tại Bình Thuận, tỉnh xác định có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, với nhiều nông sản đặc thù, sản xuất hàng hóa lớn như thanh long, cao su, điều, lúa. Đến nay, đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh trên 361.000 ha, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 3.028 ha. Hiện nay có 212 cơ sở chế biến thủy sản, hình thành 3 cụm công nghiệp chế biến hải sản tập trung… Tuy vậy, trình độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn thấp và phát triển chưa toàn diện. Thời gian tới, tỉnh rà soát quy hoạch, chỉ đạo sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất- bảo quản- chế biến- vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm…

                
      Cơ giới hóa nông nghiệp tại Bình Thuận

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới về: Chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ… Với Bộ Công Thương thì triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển. Riêng UBND các tỉnh, thành phố, bên cạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển hơn nữa công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản