Theo dõi trên

Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

17/12/2021, 08:27

BT- Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu đến năm 2045 xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn. Bởi lẽ, Bình Thuận là tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đây được xem là cơ chế để phát huy lợi thế khu vực ven biển  của tỉnh.

Tiềm năng từ biển

Bình Thuận có bờ biển dài gần 200 km, trên biển và hải đảo có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều cảnh quan đẹp là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Trước tiềm năng của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, xây dựng tỉnh trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Thực tế cho thấy, trong khai thác chế biến thủy sản, Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất nước. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm nằm trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước, ngành thủy sản đóng góp khoảng 6,8% GRDP của tỉnh, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 150 triệu USD, chiếm gần 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa… Về phát triển năng lượng, khai khoáng, dầu mỏ, các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển, đảo từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả. Công nghiệp chế biến khoáng sản ven biển từng bước được đầu tư với nhiều dự án đã triển khai xây dựng góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong đó có một số mặt hàng quan trọng thuộc khu vực biển, đảo của tỉnh. Phát triển khu kinh tế ven biển là chiến lược quan trọng của nước ta trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế nhằm khai thác lợi thế về địa chính trị, các tiềm năng và nguồn lực của dải ven biển. Đặc biệt là vị trí địa lý, hiện trạng hạ tầng, đất đai, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển phía nam tỉnh Bình Thuận. Trong đó lấy khu vực xã Sơn Mỹ làm trung tâm, cho thấy có thể đáp ứng điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển. Về hạ tầng kỹ thuật, khu vực này có quy hoạch cảng nước sâu Sơn Mỹ, cách cảng nước sâu Cái Mép khoảng 70 km, cách sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết khoảng 90 km, đường bộ kết nối liên hoàn với các địa bàn trong vùng và đối ngoại qua quốc lộ 55, quốc lộ 1A, cao tốc Bắc Nam khoảng 30 km. Về đất đai, khu vực này có đủ khả năng bố trí trên 10.000 ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển khu kinh tế. Có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, quan trọng và có tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực. 

Mục tiêu phát triển lâu dài

Đảng bộ tỉnh Bình Thuận xây dựng mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn. Đặc biệt là kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh và trở thành tỉnh có nền kinh tế mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Ảnh: Đình Hòa

Để thực hiện mục tiêu đó, lãnh đạo tỉnh cho biết, sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá vị thế, tiềm năng biển của tỉnh, chú trọng việc quảng bá thương hiệu sản phẩm lợi thế của địa phương nhằm thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch biển, đảo. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng ven biển và hải đảo, bao gồm cảng biển, sân bay, đường giao thông, các tuyến luồng hàng hải, nhằm kết nối các trung tâm phát triển ven biển với cả nước. Song song đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư, nâng cấp các tuyến đường phục vụ cho phát triển kinh tế biển vốn là thế mạnh của tỉnh.

Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, ưu tiên đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, ưu tiên kết hợp phát triển điện gió và du lịch vùng biển Tuy Phong, Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Quý, Kê Gà, Hàm Tân, La Gi, đưa tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Đặc biệt, tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động hoa tiêu, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ khác nhằm thu hút các hãng vận tải, đoàn tàu cập bến tại các cảng của tỉnh Bình Thuận…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững